Vụ đề án 112: Các đơn vị chưa kiểm toán sẽ không thoát trách nhiệm

Hôm qua, 30-10, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã họp báo, chính thức công bố kết quả kiểm toán đề án 112. Tổng kiểm toán Vương Đình Huệ và Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi của PV SGGP và một số phóng viên khác.

Hôm qua, 30-10, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã họp báo, chính thức công bố kết quả kiểm toán đề án 112. Tổng kiểm toán Vương Đình Huệ và Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi của PV SGGP và một số phóng viên khác.

* Thưa ông, KTNN có chuyển kết quả và hồ sơ, tài liệu kiểm toán sang Cơ quan điều tra?

* ÔNG LÊ MINH KHÁI:
Khi ký phát hành báo cáo kiểm toán, chúng tôi đã gửi ngay cho Tổng cục cảnh sát, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng để tiến hành thực hiện theo trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

* Cơ quan điều tra đã khởi tố bắt giam 9 đối tượng tham ô, cố ý làm trái khi thực hiện Đề án 112. Tại sao trong bản kết quả kiểm toán không khẳng định có thất thoát, tham ô? Có phải do KTNN không đồng ý với quan điểm của Cơ quan điều tra hay vì như nhiều người quan niệm văn phòng Chính phủ là “siêu bộ”?

* Chúng tôi làm với tinh thần độc lập khách quan, không né tránh và không bị một áp lực nào cả. Khi ký kết luận là chúng tôi chuyển ngay lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những đơn vị khác theo quy định. Còn ông Vũ Đình Thuần bị bắt là do hành vi vụ lợi, ai sai người đó chịu.

* Quản lý, sử dụng tài sản và chất lượng thiết bị mua sắm là hai lĩnh vực nhạy cảm có khả năng phát hiện tham nhũng thuộc nội dung kiểm toán. Tại sao KTNN không làm rõ hai nội dung này?


* Trong khả năng, điều kiện nhân lực và thời gian của mình, chúng tôi không thể kiểm toán hết được. Kiểm toán chất lượng, thiết bị tin học không đơn giản chút nào, vì còn phụ thuộc vào trình độ tin học, giá cả thị trường, chủng loại hàng hóa. Tuy nhiên, chúng tôi có kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, tài sản và đã phản ánh trong kết quả kiểm toán như đã công bố.

* Đây là dự án nhóm A nhưng chỉ có ông Vũ Đình Thuần, Phó Chủ nhiệm VPCP “một tay” điều hành, không lập BQL dự án như quy định. Không ít chuyên gia đã nhiều lần khuyến cáo, trách nhiệm của Bộ KH-ĐT và lãnh đạo VPCP như thế nào?

* Trong thông báo kết quả kiểm toán đã nêu rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT. Bộ KH-ĐT, dù năm 2006 đã kết thúc giai đoạn I của đề án, chưa có dự án tổng thể và cho từng năm kế tiếp nhưng vẫn phân bổ 150 tỷ đồng vốn đầu tư cho đề án. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trong việc đến nay vẫn chưa ban hành định mức đơn giá làm cơ sở cho chủ đầu tư thực hiện…

* Chỉ có 23 trong số 116 cơ quan thực hiện đề án 112 được kiểm toán. Sai phạm của đề án rất lớn nhưng trong kết quả kiểm toán chỉ đề nghị kiểm điểm, xử lý các đơn vị phát hiện sai phạm. Như vậy, các đơn vị còn lại thoát trách nhiệm?

* Do thời gian và nhân lực nên chúng tôi không thể kiểm toán hết được 116 đơn vị. Chúng tôi chọn mẫu 23 đơn vị để đánh giá. Qua kết quả này chúng tôi đã kiến nghị xử lý tài chính và từ đó đã đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra 87 đơn vị còn lại trong việc thực hiện các nội dung của đề án…

* Theo ông, sai phạm phát hiện được của Đề án 112 có nghiêm trọng không? Số tiền thất thoát là bao nhiêu?

* Lớn hay không, trả lời là rất khó. Những sai phạm, yếu kém trong việc quản lý đề án này, từ khâu lập đề án đến khâu tổ chức thực hiện, rồi quyết toán đưa vào sử dụng đã được chúng tôi trình bày hết trong báo cáo. Còn thất thoát bao nhiêu, phải đợi thời gian nữa các cơ quan chức năng khác làm rõ thêm. Chúng tôi làm đến như thế là hết trách nhiệm. Chúng tôi chỉ có thể kiến nghị, còn việc điều tra, thực hiện các kiến nghị đó là thuộc các cơ quan nhà nước khác. 

KIẾN QUỐC 

* ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Qua câu hỏi của Báo SGGP, tôi xin trả lời nói rõ hơn là: về phạm vi kiểm toán, chúng tôi đã là kiểm toán thì bao giờ cũng dựa trên chọn mẫu, không thể kiểm toán 100% các đơn vị. Những mẫu chọn ở đây đã tương đối toàn diện, đánh giá được đề án tương đối sát thực. Trên cơ sở kiểm toán đợt này, tới đây sẽ được kiểm tra, thẩm định lại toàn bộ để quyết toán. Sẽ không có chuyện đơn vị chưa được kiểm toán sẽ thoát trách nhiệm như đồng chí băn khoăn đâu.

Tới đây chúng tôi cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại việc chi tiêu của đề án này. Kết quả kiểm toán này chúng tôi đã gửi các cơ quan chức năng theo quy định, báo cáo toàn bộ thực trạng của đề án. Còn việc sai phạm đến đâu thì phải chờ kết quả điều tra của Bộ Công an.

Tôi đánh giá sai phạm của đề án là nghiêm trọng, còn nghiêm trọng cỡ nào cũng cần phải đợi làm rõ. Ví dụ như phần mềm, có 45 phần mềm đang triển khai dở dang, nếu không được sử dụng thì sẽ lãng phí rất lớn. Đối với một số phần mềm đang được sử dụng thì hiệu quả cũng rất thấp. Tôi đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá lại các phần mềm này.

Ngay sau khi công bố, KTNN đã nhận được báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai. Họ đã trả ngay ngân sách trung ương hơn 2 tỉ đồng chưa sử dụng của đề án. Còn số tiền thất thoát, tới đây phải đợi quyết toán thì mới tính được, dựa trên số chênh lệch giữa phần đã được quyết toán với phần đầu tư. Né tránh hay không thì chúng tôi không né tránh, ký báo cáo là chúng tôi chuyển ngay cho cơ quan điều tra.

Qua đây chúng ta cũng rút ra được bài học, phải thẩm định đánh giá rất kỹ lưỡng cả về mục tiêu đầu tư, cơ sở khoa học, rồi đến ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và người dân. Từ những sai phạm của Đề án 112, chúng tôi đề nghị Thủ tướng xem xét cho kiểm tra, kiểm toán lại toàn bộ các đề án lớn, chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 135; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo… để đánh giá lại quá trình triển khai của các dự án này sao cho có hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng sẵn sàng kiểm toán hàng năm đối với Đề án 112 chứ không phải chỉ kiểm toán chuyên đề như vừa thực hiện.

Thông tin liên quan:

* Kết quả kiểm toán Đề án 112: Còn hơn cả “xin - cho”

* Vụ Đề án 112 
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị khởi tố tội tham ô

Tin cùng chuyên mục