Kết quả kiểm toán Đề án 112: Còn hơn cả “xin - cho”

* Sai phạm trên 192 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa chính thức kết luận kiểm toán Đề án 112 “Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005”. Kết quả cho thấy, đề án có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng này được quản lý theo cơ chế “xin – cho” và còn hơn thế nữa.

“Cho” vượt quy định trên 109 tỷ đồng!

Theo dự án ban đầu, tổng vốn đầu tư của Đề án 112 không dưới 1.000 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn từ 2001 - 2005. Thế nhưng, kết quả kiểm toán cho thấy tổng mức đầu tư được duyệt cho cả giai đoạn của Đề án 112 là 3.836 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí đã cấp phát 1.534,3 tỷ đồng, tổng kinh phí đã sử dụng 1.159,6 tỷ đồng. Sai phạm trên 192 tỷ đồng.

Với số vốn nói trên, đây là dự án nhóm A, buộc phải có ban quản lý dự án để thay mặt Chính phủ quản lý, đầu tư. Thế nhưng đề án này không có ban quản lý mà chỉ do ông Vũ Đình Thuần, khi ấy là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, làm Trưởng ban chỉ đạo điều hành (đã bị bắt). Ông Thuần làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chỉ có một thư ký duy nhất (cũng đã bị bắt). Cách điều hành, thực hiện dự án là điển hình của cơ chế “xin - cho”.

Cụ thể, Ban điều hành đề án phân bổ vốn đầu tư cho các bộ, ngành địa phương mà không căn cứ vào dự toán, kế hoạch vốn đầu tư. Ban này phân bổ vốn căn cứ vào... tốc độ giải ngân của từng đề án. Việc làm trên, theo KTNN đã tạo ra cơ chế “xin - cho”, dẫn đến sự chênh lệch về vốn đầu tư do Trung ương cấp giữa các tỉnh, thành phố với nhau, giữa các bộ, ngành với nhau.

Trong tổng số 116 đơn vị được cấp vốn đầu tư (64 tỉnh, thành phố và 52 bộ, ngành) có 43 đơn vị được cấp số vốn đầu tư vượt tổng mức đầu tư của đề án đã được thẩm định với số tiền lên tới 109,7 tỷ đồng! Tức là ai khéo xin thì được nhiều! Thậm chí, năm 2006 đã kết thúc giai đoạn 1, chưa triển khai giai đoạn tiếp theo nhưng đề án này vẫn được phân bổ vốn đầu tư tới 150 tỷ đồng!

Trong hai năm 2002 - 2003, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các bộ, ngành địa phương trong khi chưa có quyết định đầu tư của chủ đầu tư. Điều này dẫn tới một số đơn vị “nghẹn” không “nuốt” (giải ngân) được vốn, phải phân bổ sang năm sau như năm 2002 phải phân bổ tới 80 tỷ đồng, năm 2003 tiếp tục phải phân bổ 75 tỷ đồng.

Thiếu tiền, cứ lấy của đề án mà tiêu

Hầu hết các đơn vị bị kiểm toán đã “không thèm” lập kế hoạch vốn đầu tư cho dự án tại đơn vị mình để gửi lên cấp trên nhưng vẫn được cấp vốn triển khai. Do cách quản lý quá dễ dãi nên ở Yên Bái người ta đã cho nghiệm thu cả khối lượng trước khi đề án được phê duyệt 170 triệu đồng. Thậm chí nhiều nơi còn lấy tiền của đề án chi cho các mục đích khác.

Chẳng hạn, tiền của đề án đã được dùng để chi trả tiền thuê trụ sở cho dự án trợ giúp kỹ thuật TA trên 772,8 triệu đồng, chi cho trang bị phòng đào tạo tin học tại UBND tỉnh Điện Biên 492,3 triệu đồng; tạm ứng chi phí quản lý lớp học cho các tỉnh, bộ, ngành (vừa không đúng nhiệm vụ vừa vượt định mức) hơn 2,33 tỷ đồng.

KTNN cũng làm rõ nhiều khoản chi thuộc nhiệm vụ của Ban điều hành Đề án 112 nhưng lại vẫn ký hợp đồng, chi tiền cho các cá nhân, tổ chức thực hiện. Chẳng hạn chi 74,9 triệu đồng cho ông Bùi Thế Hồng đi theo dõi, giám sát và đánh giá các khóa huấn luyện ứng dụng công nghệ thông tin của đề án; chi gần 100 triệu đồng cho Công ty tin học Bộ Xây dựng đi kiểm tra kết quả thi công phần mềm dùng chung.

Dù đã ký hợp đồng với một số đơn vị nhưng Ban điều hành vẫn đã tạm ứng sai quy định, không thuộc nhiệm vụ, chi khoản kinh phí 16,3 tỷ đồng cho 64 tỉnh, thành phố triển khai 3 phần mềm dùng chung. Kết quả kiểm tra một số tỉnh cho thấy, số tiền này đã dùng để chi phụ cấp lương cho cán bộ, chi hội nghị, tiếp khách...

Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính cũng tiếp tay

Ngay cả nguồn kinh phí vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng có nhiều sai phạm. Số kinh phí được nhận là 470 tỷ đồng và Ban điều hành đã đề nghị quyết toán gần 111,2 tỷ đồng nhưng KTNN đã phải loại ra khỏi quyết toán, xuất toán... gần 104 tỷ đồng do: chưa hề chi nhưng đã đòi quyết toán, chi trùng khoảng 30,2 tỷ đồng (quyết toán cho đào tạo nhưng thực tế không chi 29,75 tỷ đồng, chi trùng 2 lần 461 triệu đồng).

Những sai phạm nêu trên của Ban điều hành có sự tiếp tay, liên đới của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Năm 2006, giai đoạn 1 của dự án đã kết thúc, chưa có dự toán tổng thể và từng năm cho giai đoạn kế tiếp, Ban điều hành Đề án 112 không có dự trù kinh phí gửi Bộ KH-ĐT nhưng bộ này vẫn vô tư phân bổ 150 tỷ đồng vốn đầu tư cho đề án?!

Trong khi đó Bộ Tài chính đồng ý cho Ban điều hành 112 Chính phủ quyết toán cả...kinh phí không hề có trong dự toán. Năm 2003, Bộ Tài chính cho phép thí điểm định mức, đơn giá xây dựng và triển khai phần mềm dùng chung. Đồng thời, giao Ban điều hành chủ trì, phối hợp xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành định mức để áp dụng chính thức nhưng đến nay vẫn chưa có nên thiếu căn cứ pháp lý để quyết toán kinh phí. KTNN đã kiến nghị 2 bộ này kiểm điểm, xem xét trách nhiệm trong quản lý nhà nước của mình với Đề án 112.

Hậu quả của Đề án 112

Theo KTNN, việc tích hợp, cung cấp thông tin để phục vụ điều hành, quản lý hành chính của các cấp lãnh đạo theo mục tiêu của đề án, rõ ràng đã không đạt được. Việc xây dựng các mạng cục bộ (Lan) nhiều nơi còn chưa xây dựng xong. Thảm hại hơn là về phần mềm ứng dụng.

Trong 3 phần mềm dùng chung thuộc hệ điều hành tác nghiệp thì mới có 1 được sử dụng còn 2 phần mềm hầu như không sử dụng được. 45 phần mềm dùng chung còn lại thì đa số chưa triển khai được diện rộng trong khi kinh phí đã ứng gần 23 tỷ đồng. “Nếu các phần mềm trên không được triển khai, sử dụng sẽ là một thất thoát, lãng phí lớn của ngân sách Nhà nước” (trích kết luận của KTNN).

Qua kiểm toán ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, cán bộ tin học chỉ có 2 - 3 người nên có nhiều máy để không; hàng trăm học viên được đào tạo không đúng đối tượng. Ngay tại Ban điều hành Đề án 112 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có sản phẩm được đầu tư 300 triệu đồng nhưng không được sử dụng. Một chương trình phần mềm được văn phòng bộ này ký với Công ty Máy tính truyền thông CMC từ năm 2004, đã trả 444,5 triệu đồng nhưng đến nay chưa có sản phẩm. Ban điều hành Đề án 112 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng ký một hợp đồng thực hiện dự án phần mềm có trị giá 970 triệu đồng nhưng cũng một phần mềm tương tự như vậy, tại cùng thời điểm lại chỉ có báo giá 231 triệu đồng...

KIẾN QUỐC – MINH ANH

Tin cùng chuyên mục