Sổ tay

Yếu tố cốt lõi

Theo đánh giá của Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, thời gian qua, Việt Nam có rất nhiều chính sách công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhưng hiệu quả và tính thực tiễn rất kém.
Bởi dù đã có rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa về mặt thể chế, tín dụng, công nghệ, nhân lực… nhưng hiệu quả thực thi các chính sách chưa cao; chỉ được vạch ra trên bàn giấy và ít có tính thực tiễn.

Đơn cử, các Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26-8-2011 về danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực CNHT” hay các chính sách khuyến khích CNHT theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT… đều chưa thực sự tạo cú hích cho ngành phát triển. “Chính sách cho ngành CNHT của Việt Nam rất nhiều, nhiều đến mức Ngân hàng Thế giới xếp vào loại nhất thế giới nhưng thực thi cũng kém nhất thế giới!”, đại diện Hiệp hội Các DN đầu tư nước ngoài nhấn mạnh. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, đến năm 2015, cả nước có khoảng 40 quỹ/loại quỹ tài chính nhà nước được thành lập. Tuy nhiên, việc tiếp cận để được hưởng các ưu đãi trên đang còn vướng đối với DN do hầu hết các quỹ (nhất là ở các bộ, ngành đang quản lý) đều chỉ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý nhà nước dù muốn nhưng không thể vận hành được và các DN cũng không thể đủ điều kiện để vay. Điều này dẫn đến các DN đang rất khó tiếp cận nên không còn mặn mà với các chính sách ưu đãi, trong khi nhu cầu về vốn lại rất lớn. Vì vậy, các quỹ tài chính nhà nước với mục tiêu hỗ trợ DN cần phải được xác lập rõ nguồn vốn dành cho vay và phải được chuyển ngay vào tài khoản ngân hàng thương mại hoặc ủy thác cho tổ chức tín dụng để thực hiện cho vay. Về phía DN, do xuất phát điểm, hầu hết đang có nhu cầu về vốn, đều ở loại hình vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ… nên rất ít DN tự đánh giá năng lực công nghệ phục vụ cho đổi mới và hoạch định chiến lược kinh doanh của đơn vị một cách bền vững. Hầu hết DN thiếu nhân lực quản trị nên việc xây dựng các đề án phát triển cho mình chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cơ sở khoa học, tiềm ẩn rủi ro… dẫn đến sự quan ngại của các cơ quan quản lý. Cũng do thiếu nhân lực quản trị nên việc diễn giải các nội dung trong dự án đầu tư thiếu tính thuyết phục, thiếu sự tính toán đầy đủ nên tính khả thi không cao. 

Chính những chính sách về CNHT dù được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống, dẫn đến hệ quả là Việt Nam hiện vẫn còn nhập 80% hàng hóa nguyên, vật liệu thô về để phục vụ sản xuất. Theo ước tính của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam ước khoảng 32,1% đối với các sản phẩm chế biến cho các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam. Trong các sản phẩm công nghiệp, chỉ có lĩnh vực mô tô, xe máy có tỷ lệ nội địa hóa khá cao, còn các lĩnh vực khác nhau như điện tử, ô tô, sản phẩm công nghệ cao… tỷ lệ nội địa hóa đều dưới 20%. Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, để phát triển DN nói chung, DN thuộc ngành CNHT nói riêng, các cơ quan quản lý và DN cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu và đồng bộ. Trong đó, chú trọng đến các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng để phát triển CNHT; giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, liên kết doanh nghiệp tài chính… Đây chính là yếu tố cốt lõi cho phát triển ngành CNHT.  

Tin cùng chuyên mục