Yêu cầu Formosa Hà Tĩnh báo cáo sự cố nổ thiết bị tại lò vôi

Các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ TN-MT... phải báo cáo để xem nguyên nhân vụ nổ thiết bị tại lò vôi của Formosa  Hà Tĩnh là do kỹ thuật hay vì cái gì khác.

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng 31-5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lê Hồng Tịnh đã trao đổi với báo giới về sự cố nổ thiết bị lọc bụi lò vôi của Formosa trong vòng 24 giờ sau khi vận hành thử lò cao số 1.

Tuy nhiên, Formosa Hà Tĩnh cho rằng, thiết bị vừa trục trặc nằm độc lập, không nằm trong dây chuyền vận hành thử của lò cao, hiện lò cao vẫn hoạt động bình thường.

Yêu cầu Formosa Hà Tĩnh báo cáo sự cố nổ thiết bị tại lò vôi ảnh 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng 31-5-2017.
Ông Lê Hồng Tịnh cho biết, chưa nhận được báo cáo chính thức, chỉ mới nghe thông tin qua báo chí, mạng xã hội.

“Đương nhiên các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ TN-MT... phải báo cáo để xem nguyên nhân là do kỹ thuật hay vì cái gì khác. Hôm nay tôi sẽ về trao đổi với anh Hà (Phó Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách lĩnh vực môi trường) để chỉ đạo việc này”.

Vẫn theo ông Lê Hồng Tịnh, sau sự cố môi trường biển năm 2016, Chính phủ, Quốc hội đã đưa dự án này vào diện giám sát đặt biệt. Các bộ ngành, nhất là Bộ TN-MT đã kiểm soát rất chặt chẽ. “Đây là bài học phải rút kinh nghiệm cho nên các bộ ngành phải quan tâm đặc biệt”, ông Tịnh nói.

Trả lời câu hỏi liệu có phải là quá vội vàng khi cho phép Formosa Hà Tĩnh vận hành trở lại để giữ được chỉ tiêu tăng trưởng hay không, ông Tịnh nói: “Liên quan tới việc cho vào vận hành Formosa thì các bộ liên quan như Bộ Công Thương, Bộ TN-MT là những cơ quan tham mưu quan trọng, báo cáo cho Chính phủ. Là dự án có vốn đầu tư tới 10 tỷ USD nên nếu Formosa hoạt động tốt cũng sẽ là dự án công nghiệp nặng đầu tàu trong phát triển công nghiệp của Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng. Nhưng tất nhiên chỉ trên cơ sở đủ điều kiện. Theo báo cáo của các bộ ngành, Chính phủ thấy đủ điều kiện nên cho phép vận hành thử”.

Ông Tịnh cho biết, việc khắc phục hậu quả sự cố biển miền Trung của Formosa cũng đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội “vào tận nơi, giám sát tận nơi”. Những yêu cầu đưa ra doanh nghiệp cũng rất tích cực, hợp tác tốt để khắc phục.

Về sự cố nổ thiết bị lọc bụi tại lò vôi, ông Tịnh nói: “Mới vận hành thì cũng có thể có trục trặc nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nắm được thông tin cụ thể báo cáo của Hà Tĩnh về sự cố lần này. Chúng tôi sẽ yêu cầu Hà Tĩnh báo cáo. Chúng ta cũng có cơ quan giám sát ở địa phương là Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh. Nếu muốn giám sát bên trong thì chỉ cần thông báo với phía doanh nghiệp là họ hợp tác. Qua việc xảy ra sự cố trước, doanh nghiệp cũng thấy không thể xem thường vấn đề môi trường, nên các đoàn của Quốc hội vào giám sát thì họ rất tạo điều kiện, cởi mở để mọi người biết nắm quy trình vận hành của nhà máy”.

Trước đó, tối 30-5, thiết bị lọc bụi của lò vôi phát nổ khi đang trong quá trình luyện vôi cục thành vôi bột để phục vụ cho quá trình khử lưu huỳnh của nhà máy nhiệt điện. Hiện Formosa đang kiểm tra và xác minh lỗi của thiết bị này. Sự cố này không có thương vong về người. 

Tin cùng chuyên mục