Ý tưởng độc đáo

Cuộc chiến chống rác thải nhựa ngày càng nóng trên khắp thế giới, ý tưởng về việc đổi rác nhựa được áp dụng tại một số ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, ngoài máy bán vé các ga này còn trang bị một số máy chấp nhận chai nhựa để đổi lại các khoản tín dụng có thể trả tiền vé tàu.

Ở Ấn Độ, một số trường trung học cũng chấp nhận thu gom các loại nhựa có thể tái chế để thanh toán học phí. Trên hòn đảo Sardinia của Italy, Công ty Miniwiz của Đài Loan đã mở một cửa hàng pop-up bán các mặt hàng làm từ nhựa tái chế, cách duy nhất để trả tiền là đưa đồ nhựa vào một chiếc máy có tên Trashspresso. Tuy nhiên, biến rác thải nhựa thành phương tiện thúc đẩy giao dịch tài chính là ý tưởng độc đáo mới lạ nhất của doanh nhân David Katz ở Vancouver, Canada, khi ông thành lập Ngân hàng Nhựa (Plastic Bank) cách đây hơn 4 năm. Dự án lần đầu được giới thiệu ở Haiti vào năm 2015, sau đó mở rộng sang Philippines và Indonesia. Ai Cập sẽ là điểm đến tiếp theo. Khi đến một quốc gia mới, Plastic Bank làm việc với các trung tâm tái chế và tham gia cùng một công ty quốc tế lớn để thúc đẩy chương trình của họ. 

Tại Indonesia, SC Johnson & Son, một nhà sản xuất vật dụng vệ sinh gia đình và nhà sản xuất bao bì nhựa uy tín của Mỹ, cam kết tài trợ cho 9 chi nhánh tại Bali của ngân hàng này trong năm 2019. Công ty này cũng công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất một số chai cho hãng sản xuất nước lau rửa cửa sổ Windex cleaner. Những chai này hoàn toàn được làm từ nhựa đến từ Plastic Bank, được mang đến từ khắp các địa điểm ở Indonesia và Philippines. Hiện, Chính phủ Indonesia cũng đang vận hành một mạng lưới ngân hàng rác, đây là những trung tâm tái chế, không chỉ giúp người tham gia kiếm được tiền từ rác nhựa mà còn tạo cho họ những khoản vay sau đó có thể thanh toán bằng nhựa. Tại Surbaya, thành phố lớn thứ hai xứ vạn đảo, người dân có thể trả tiền vé xe buýt bằng chai hoặc ly nhựa. Một vé xe buýt cho chuyến đi 2 giờ có giá 5 - 10 ly nhựa tùy thuộc vào kích cỡ. Đây là sáng kiến của nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố, bà Tri Rismaharini, với mục tiêu là quét sạch rác thải nhựa ở Surbaya vào năm 2020. 

Ngân hàng Nhựa còn mở ra một cơ hội đầu tư cho những người chưa bao giờ nghĩ tới chuyện gửi tiền ngân hàng. Shaun Frankson, đồng sáng lập của ngân hàng, cho biết: “Tái chế là một cách để người nghèo có thêm nguồn thu nhập”. Trong số 3.200 tài khoản ngân hàng có tại Bali, khoảng 1.200 người có số tiền dương trong tài khoản Ngân hàng Nhựa. Người dân mang những món đồ nhựa nhặt được đến một trung tâm thu gom được điều hành bởi Plastic Bank. Nơi này sẽ kiểm tra số lượng, khối lượng rác nhựa, sau đó gửi tin nhắn thông báo số dư trong tài khoản của họ. 

Ni Made Supartini là nhân viên quản lý tài khoản tại Unit Simpan Pinjam - một ngân hàng hợp tác với Plastic Bank - và cũng là người điều hành ứng dụng nhắn tin báo tiến độ công việc và số dư tài khoản cho 8 người gom chai nhựa trong khu vực cho biết: “Những người gom rác nhựa này đều phải đi từ các nguồn tín dụng đen hoặc vay nặng lãi, giờ họ đã có thu nhập thêm mỗi tháng, họ đã tự chủ được tài chính và không phải đi vay ngoài nữa”.

Tin cùng chuyên mục