Ý thức “sống xanh”

Không phải bây giờ, mà từ rất lâu, “sống xanh” đã trở thành một đề tài được quan tâm đặc biệt, bởi đó là lối sống giúp duy trì các giá trị cho một cuộc sống bền vững và lành mạnh. Chuyện sống xanh ở hiện tại không còn là của riêng ai, khi mẹ thiên nhiên ngày càng “cảnh báo” và “giận dữ” nhiều hơn.

Ở thời điểm năm 2019, trào lưu gắn hashtag trên mạng xã hội #Challengeforchange (tạm dịch: Thách thức để thay đổi) rầm rộ toàn cầu và trào lưu này cũng được đón nhận mạnh mẽ ở Việt Nam. Hình ảnh trước và sau khi dọn dẹp rác ở các điểm du lịch, khu dân cư, hay các dòng kênh… được nhiều bạn trẻ chia sẻ liên tục lên mạng xã hội. Nhiều người ủng hộ và không ít lời mỉa mai cho rằng, hình ảnh đó chỉ ăn theo trào lưu để câu lượt người xem.

Nhưng với #Challengeforchange thì khả quan hơn khi trào lưu này kéo dài hơn 3 tháng. Điều quan trọng hơn hết, chính trào lưu này đã làm cụm từ “sống xanh” ấn tượng mạnh với nhiều người, nhất là giới trẻ, ít nhiều khái niệm “sống xanh” bắt đầu lan tỏa và chạm đến nhiều người hơn. 

“Sống xanh”, bên cạnh việc tiết kiệm, tái chế, hạn chế rác thải nhựa… thì câu chuyện trồng rừng được quan tâm hơn bao giờ hết. Sau đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua, càng thấm thía hơn câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, khi diện tích rừng, nhất là rừng đầu nguồn bị thu hẹp, tình trạng phá rừng ở các vùng lõi… khiến thiên tai vốn nguy hiểm lại thêm phần dữ dội.

Những chiến dịch trồng rừng bắt đầu lan tỏa, nhiều dự án tầm quốc gia lẫn phi chính phủ đã bắt đầu thực hiện. Đã không còn là một trào lưu hay hashtag theo trend trên mạng xã hội, bởi đây là điều cần và cấp thiết để giữ lấy cuộc sống của chính chúng ta. Nhiều nhóm trồng rừng do các bạn trẻ khởi xướng đã bắt đầu “phủ xanh” các cù lao, góp cây cho vườn quốc gia, trồng rừng ngập mặn. Mới nhất, ngày 2-1, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra lễ phát động đề án trồng 10 triệu cây xanh, góp phần thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Hướng đến cuộc sống với những giá trị sống bền vững, phải “sống xanh” ngay từ bây giờ để giữ lấy thiên nhiên, giữ lấy môi trường. Làm được điều này, phải giải được bài toán cân bằng giữa sản phẩm “xanh” và lợi nhuận kinh doanh; lộ trình và kế hoạch trồng rừng cần phải thật bài bản và khoa học, nhất là câu chuyện theo dõi sau khi trồng cây con. Nếu cứ găm xuống đất vài trăm hay vài ngàn cây rồi lại tiếp tục đến địa điểm khác trồng tiếp thì hiệu quả cũng chẳng là bao, bởi vì cây con thời gian đầu rất cần được theo dõi và chăm sóc để phát triển. 

Hay nói đến “sống xanh” với tiết kiệm, tái chế, hạn chế đồ nhựa, trồng rừng… nhưng nhiều người lại quên mất việc phân loại rác thải tại nguồn. Rất nhiều người lầm tưởng đây là việc của nhà máy xử lý rác thải và rác thải chỉ cần bỏ đúng nơi quy định thì việc còn lại để nhà máy lo. Việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho khâu xử lý, có thể giảm thiểu được tối đa diện tích chôn lấp rác sinh hoạt, giảm được lượng chất thải rắn, đồng nghĩa với việc giảm tác động tiêu cực và ô nhiễm đến môi trường đất, nguồn nước.

Điều quan trọng hơn hết chính là ý thức con người, mỗi người phải hiểu và ý thức được “sống xanh” từ chính cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của mình, như tiết kiệm điện nước, hạn chế đồ nhựa, phân loại rác tại nguồn, dùng túi đi chợ, mang theo ly uống nước cá nhân, hay tận dụng không gian quanh nhà, văn phòng để đặt một chậu cây… 
 “Sống xanh” phải là lối sống dài lâu, hành động thường xuyên, lâu dài chứ không phải là lựa chọn theo kiểu nay thích thì làm, hết vui thì nghỉ…

Tin cùng chuyên mục