Ý thức kém, tai họa tăng

Hành vi đốt nhang muỗi để lên thùng giấy cạc tông, rồi bật quạt ngủ của người nhân viên cho thấy, ý thức về phòng cháy của người này quá kém. Tồn tại này còn có phần trách nhiệm của chủ kho hàng. 
Vụ cháy căn nhà số 9, đường số 10A, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM) đã trôi qua gần nửa tháng. Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa hết xót xa trước sự ra đi của Đại úy Phạm Phi Long (Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân) trong lúc làm nhiệm vụ chữa cháy. Càng tiếc thương Đại úy Phạm Phi Long bao nhiêu, dư luận càng phẫn nộ trước hành vi ngớ ngẩn, thờ ơ, thiếu ý thức trong việc phòng cháy của người gây ra vụ cháy này bấy nhiêu. 
Ý thức kém, tai họa tăng ảnh 1 Hiện trường vụ cháy căn nhà số 9, đường số 10A, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM)
Tại buổi họp rút kinh nghiệm vụ cháy vào chiều 12-9, Phòng Pháp chế điều tra - xử lý cháy nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM) và Công an quận Bình Tân đã thông tin nguyên nhân gây cháy ban đầu là do một nhân viên bảo vệ của nhà số 9 đã đốt nhang muỗi và đặt lên thùng giấy cạc tông rồi bật quạt ngủ. Sau đó, lửa từ nhang muỗi ngún vào thùng cạc tông gây cháy và cháy lan ra xung quanh. Hành vi đốt nhang muỗi để lên thùng giấy cạc tông, rồi bật quạt ngủ của người nhân viên cho thấy, ý thức về phòng cháy của người này quá kém. Tồn tại này còn có phần trách nhiệm của chủ kho hàng. 
Hơn ai hết, chủ kho hàng là người hiểu và biết rõ nguy cơ cháy và cháy lan tại căn nhà mình sử dụng. Bởi, ngoài làm kho chứa quần áo, căn nhà còn được làm nơi ở của nhân viên. Hệ thống điện sinh hoạt trong nhà cũ kỹ dễ xảy ra sự cố chạm chập. Trong số lao động, nhân viên bảo vệ kho có người hút thuốc. Nguy cơ cháy cao như vậy nhưng chủ kho hàng lại xem nhẹ công tác PCCC tại đây khi không trang bị đầy đủ thiết bị chữa lửa cũng như kiến thức và nhắc nhở nhân viên chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ tại kho hàng. 
Làm việc với cơ quan chức năng, một trong hai nhân viên bảo vệ kho quần áo cho biết: “Lúc phát hiện kho bị cháy, tôi có tìm bình chữa cháy nhưng không ra. Nhưng nếu có bình chữa cháy cũng không biết sử dụng ra sao vì chưa trải qua lần nào…”. Thực tế trên cho thấy, nếu chủ kho hàng có trách nhiệm hơn, làm tốt công tác PCCC, có lẽ sự cố hỏa hoạn đã không xảy ra, trường hợp có cháy thì hậu quả cũng không nặng nề đến vậy.       
Vụ việc này một lần nữa khẳng định công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCC cho người dân, chủ cơ sở, người lao động là giải pháp quan trọng, thiết yếu trong phòng chống cháy nổ. Thế nhưng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực sản xuất, giải pháp này vẫn chưa được triển khai hiệu quả; nhất là tại các cơ sở sản xuất, nhà xưởng, kho chứa, khu - cụm công nghiệp - chế xuất… 
Lâu nay, đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, công tác PCCC cũng gần như bỏ ngỏ vì đối tượng này không thuộc thẩm quyền quản lý, kiểm tra, xử lý của Cảnh sát PCCC. Trong khi đó, chính quyền địa phương hầu như “quên để ý” đến việc PCCC của các đối tượng này, do đó nguy cơ cháy nổ vẫn tràn lan. 
Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, chính quyền các cấp cần phối hợp cùng ngành PCCC và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá lại nguy cơ cháy nổ tại các căn nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, kho chứa, bến bãi tự phát… để từ đó có giải pháp phòng ngừa cháy nổ hợp lý. Đặc biệt, đối với cơ sở, hộ kinh doanh vi phạm các lỗi PCCC, thoát nạn nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần, cơ quan chức năng cần xử phạt nặng, thậm chí đình chỉ hoạt động để răn đe, ngăn chặn sự cố cháy nổ xảy ra. 
Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC TP cần quan tâm, chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan đầu tư, nâng chất lực lượng chữa cháy tại chỗ cả về con người và trang thiết bị; tăng cường các buổi nói chuyện, khóa tập huấn kiến thức PCCC cho bảo vệ, chủ cơ sở, người lao động… Một khi thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, hẳn nguy cơ cháy nổ sẽ được kéo giảm, công tác ứng phó với sự cố cháy nổ khi xảy ra sẽ hiệu quả hơn, kéo giảm thiệt hại về người và tài sản.

Tin cùng chuyên mục