Xương rồng nở hoa

Con đường nhỏ nơi chúng tôi sinh sống chỉ có dăm chục hộ dân nên gần như ai cũng biết ai, biết tuốt chuyện của nhau, từ chuyện bé xíu như nhà nọ mới sắm con iPhone 11 giá 80 “chai” đến chuyện lớn hơn như chuyện lão Nhân “Mập” chủ tiệm sách ở cuối đường sát với tiệm hớt tóc thanh nữ bỗng dưng cặp bồ với một hot girl nóng bần bật trên mạng xã hội.

Và lạ lùng nhất là sáng nay, đúng Ngày Phụ nữ 20-10, thông tấn xã cà phê “Cây thị”, nơi chúng tôi thường ngồi nhâm nhi tách cà phê trước khi đi làm, khẩn cấp loan tin cây xương rồng của bà Lê Nhung, chủ tiệm cá có tên “Gành cá” (không biết sao song nhiều người nói dùng chữ ghềnh bán chạy hơn là gành, nhưng thôi kệ!) đã nở hoa màu tím Huế rất lạ.

Cây xương rồng bà Lê Nhung trồng trong cái chậu sành đặt trên ban công lầu 2 là giống cây kiểng có gốc gác từ vùng sông Amazon tuốt bên Nam Mỹ. Mà người bán nói vậy, chứ bà Phương ngoài chuyên môn chính là phân biệt cá basa nuôi bè và cá bông lau đánh bắt tự nhiên, còn thì mù tịt mọi thứ liên quan đến cái mà người đời gọi là nghệ thuật bonsai.

Khi mua, người bán chỉ nói nó hợp phong thủy và nếu ra hoa nữa thì “vượng” cả đời, mua một bán mười, tiền ra vô ăn không hết mấy đời! Bà chỉ cười mang về, nhưng không hiểu sao đã 4 năm chăm sóc, tưới bón, dùng đủ thuốc kích thích sinh học mà nó vẫn trụi lủi, trơ khấc mấy cái lá màu ngọc bích, tình cảnh giống hệt ông chồng suốt ngày ủ rũ, nhăn nhó, chả có tí gì gọi là hoa - lá - cành, hay như ông hàng xóm hay chữ kêu là không có chất rồ-man-tích. 

Thế mà hôm nay xương rồng của bà bỗng nở hoa, thật kỳ lạ, thật ngọt ngào… “người ta đặt điều nói mình này kia, nào tham lam, vô cảm… Mà người xấu tính thì làm sao nuôi được xương rồng ra hoa?”, bà bước ra khỏi nhà, mải ngẫm nghĩ đâm sầm vào một người đàn ông đã đứng tuổi chạy xe Grab cạnh nhà. Bình thường thì bà đã lu loa, chửi bới, nhưng hôm nay bà chỉ mỉm cười khẽ khàng: “Dạ, xin lỗi anh, tôi không cố ý”.

Xương rồng nở hoa ảnh 1 Minh họa: A Dũng

Ông chỉ nhíu mày rồi chạy vội qua tiệm sách Nhân “Mập” hỏi mua tờ báo có giá rẻ nhất như mọi lần. Bình thường thì ông đã lẩm bẩm “con này, con kia”, song hôm nay lại khác, hôm nay khác hôm trước và trước nữa, và không biết vì sao? Nhân “Mập” nhìn người đàn ông mặt đầy vết chân chim, có thoáng chút ngây ngô, rồi không hiểu sao cầm cả xấp báo và tạp chí trên bàn nói: “Ông cầm đọc. Khỏi trả tiền”.

Chàng mập còn rón rén tiến sát người ông, dúi vào tay một cuốn sách mỏng, cười bẽn lẽn: “Thơ của tui đó. Ông đọc khi chờ khách”. Chả là Nhân “Mập” còn làm thơ, thơ tả cảnh, tả tình, thơ tặng hết em gái Trung Hoa đến em gái da đen châu Phi, đọc kỹ thấy thơ… cũng có chất thơ. 

Hai năm trước, Nhân “Mập” dành dụm 30 “chai” mạnh dạn in 1.000 cuốn có tựa đề Thơ nghiêng và phải mất chừng một năm rưỡi mới tặng hết phân nửa số thơ in. Thế mà không hiểu sao sáng nay bỗng có người đặt mua 500 cuốn, còn lại mà theo lời mạnh thường quân bất ngờ này: “Đặt trước quà Tết Canh Tý cho công nhân. Giỏ quà có bánh kẹo, có tiền lì xì và thơ nữa”. Hôm nay khác hôm trước?

Người lái xe ôm khệ nệ bê chồng sách báo lên nhà ở lầu 3. Ông bỗng gặp bà hàng xóm từ lầu trên bước xuống, và thay vì lời cằn nhằn thường trực, rằng con bà giống con voi cứ giậm chân thình thịch, không ai nghỉ ngơi được, thì hôm nay thật khác, ông chào đon đả: “Con gái chị chóng lớn quá. Càng lớn càng xinh. Giống cả mẹ lẫn cha. Tôi có mắt mà”. 

Bà hàng xóm đưa cô con gái đến trường, chạy vội đến phòng khám và thay vì lời mắng xa xả bệnh nhân “ngu xuẩn, không biết mình có bệnh gì”, thì dịu dàng nói: “Chị đừng bận tâm. Tôi gọi bác sĩ ngay. Chắc không sao!”.

Bệnh nhân chính là bà Lê Nhung, đi khám bệnh lần này, thật lạ là thay vì đòi hỏi phải kê toa thuốc mạnh, chữa dứt điểm bệnh ngay lập tức nếu không sẽ kiện “đến cả tòa án quốc tế La Hay”, lại quá dịu dàng: “Bác sĩ ơi! Tôi biết là bệnh già không chữa được và tôi phải xin lỗi đã làm phiền bác sĩ…”.

Buổi chiều, trên đường về nhà, vị bác sĩ khả kính bỗng nhớ đến người phụ nữ đáng thương buổi sáng, và không hiểu sao ông dừng xe, mua một bó hoa cẩm chướng kèm một cái bánh kem của tiệm Tous les Jours. Ông gửi xe, bước lên lầu 2 và bấm chuông. Bà Lê Nhung ra mở cửa, ngỡ ngàng khi bác sĩ nói: “Mình là hàng xóm tối lửa tắt đèn. Tôi có món quà tặng chị. Cái bánh nó hơi bị méo mó vì va chạm với cặp táp của tôi. Nhưng không sao, quan trọng là chất lượng bánh. Và cả hoa cho chị…”.

Bà Lê Nhung rơm rớm nước mắt: “Đội ơn bác sĩ lắm. Tôi cũng có tin vui cho bác sĩ. Bác sĩ có biết là sáng hôm nay khi thức dậy, nhìn ra cửa sổ, tôi thấy cây xương rồng của tôi nở hoa màu tím, bác sĩ vào đây…”.

Tin cùng chuyên mục