Xuống giống sớm 400.000 ha lúa đông xuân 2021-2022 trong tháng 10

Sản xuất lúa cả năm 2021 ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL với diện tích đạt 4,16 triệu ha, giảm 58.700 ha; tổng sản lượng hơn 25,7 triệu tấn (trong đó ở ĐBSCL là 24,3 triệu tấn) tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.  Đây là kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. 

Ngày 1-10, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết “Sản xuất vụ thu đông và vụ mùa năm 2021, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL”.

Xuống giống sớm 400.000 ha lúa đông xuân 2021-2022 trong tháng 10 ảnh 1 Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa thu đông 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực chung của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân… nên vụ lúa thu đông 2021 ở ĐBSCL đã xuống giống hơn 714.600 ha, đạt 102% kế hoạch đề ra. Tính đến đầu tháng 10, đã thu hoạch hơn 200.000 ha lúa thu đông, năng suất đạt 56 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha, tổng sản lượng cả vụ ước đạt 4 triệu tấn…”.

Cũng theo Cục Trồng trọt, vụ lúa mùa ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL gieo sạ 258.600 ha, giảm 6.000 ha; năng suất ước đạt 49,7 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha; tổng sản lượng cả vụ khoảng 1,28 triệu tấn, tăng 43.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, việc sản xuất lúa cả năm 2021 ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL với diện tích đạt 4,16 triệu ha, giảm 58.700 ha; tổng sản lượng hơn 25,7 triệu tấn (trong đó ở ĐBSCL là 24,3 triệu tấn) tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Xuống giống sớm 400.000 ha lúa đông xuân 2021-2022 trong tháng 10 ảnh 2 Năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, nhưng sản xuất lúa ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL vẫn tăng hơn 500.000 tấn so với năm 2020 

Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân 2021-2022 ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL là hơn 1,6 triệu ha, tăng 2.000 ha; trong đó vùng ĐBSCL chiếm diện tích 1,52 triệu ha với sản lượng dự kiến 11 triệu tấn, tăng 35.200 tấn so cùng kỳ.

Tổng cục Thủy lợi lưu ý, theo dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Theo đó, dự báo trong tháng 11 và tháng 12-2021, ranh mặn 4 g/lít xâm nhập ở mức từ 20-30km; sang tháng 1 và tháng 2-2022, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 50-70km, cao hơn 7-15km so với trung bình nhiều năm...

Dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa đông xuân ở Nam bộ sẽ có nhiều khó khăn, GS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, mức độ hạn mặn năm nay sẽ tương đương năm 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long và sẽ diễn ra sớm từ tháng 12. 

Theo giải pháp của các chuyên gia trồng trọt, các địa phương có thể “né” hạn mặn bằng cách xuống giống sớm trong tháng 10 tại toàn vùng Nam bộ sẽ không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn vào các năm 2015-2016. Cùng với đó, nếu lúa cho thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3 của năm 2022 trong thời kỳ nắng khô hanh sẽ cho chất lượng ổn định. 
Nông dân gieo sạ lúa

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị cần phải tập trung thúc đẩy sản xuất, những địa phương ở vùng ven biển thường gặp mặn xâm nhập nặng, cần lựa chọn giống ngắn ngày để giảm thời gian sản xuất lúa trên đồng ruộng để né mặn. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị cần đẩy sớm thời vụ gieo sạ vụ đông xuân trên diện tích 400.000ha của 8 tỉnh ven biển – tập trung xuống giống trong tháng 10-2021 để thu hoạch sớm trước khi chịu tác động của hạn hán và mặn xâm nhập. 
Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Nam bộ sẽ xuống giống vụ đông xuân 2021-2022 ngay từ tháng 10 này để né hạn mặn

Về cơ cấu giống cần tăng cường giống đặc sản, giống lúa thơm và chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Đây là phân khúc thị trường với nhu cầu rất lớn của các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh băn khoăn khi giá vật tư, phân bón… tăng cao, thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh giải pháp khoa học kỹ thuật để giảm chi phí giá thành càng thấp càng tốt, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng lúa. “Trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay cũng như giá vật tư nông nghiệp ở mức cao thì biện pháp giảm giá thành cho sản xuất là quyết định đến tính cạnh tranh và lợi nhuận của bà con nông dân trong vụ lúa này” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói. 

Tin cùng chuyên mục