Xung đột Nga - Ukraine: Leo thang căng thẳng ngoại giao

Theo các hãng tin phương Tây, 48 giờ qua, các nước châu Âu đã trục xuất hơn 200 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga đang hoạt động tại các nước châu Âu.
Toàn cảnh một phiên họp của Nghị viện châu Âu
Toàn cảnh một phiên họp của Nghị viện châu Âu

Thêm lệnh trừng phạt

Trước quyết định trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga của các nước châu Âu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là động thái “thiển cận”, chỉ làm phức tạp thêm mối liên lạc vốn cần thiết để tìm ra một giải pháp. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, Nga mong muốn duy trì quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây và việc các quốc gia châu Âu làm gián đoạn hoạt động của các nhà ngoại giao Nga sẽ gây tổn hại đến lợi ích của chính những nước này.

Ngày 6-4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định khối này sẽ sớm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hợp chất hydrocarbon của Nga, liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Các tuyên bố được đưa ra trong một cuộc họp của Nghị viện châu Âu tại trụ sở ở thành phố Strasbourg của Pháp, trong bối cảnh EU dự định áp đặt vòng trừng phạt thứ 5 nhằm vào hoạt động xuất khẩu than đá của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, EU sẽ phải áp đặt các biện pháp hạn chế đối với dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga theo gói mới nhất được công bố hôm 5-4, có khả năng bao gồm các biện pháp nhằm vào hoạt động nhập khẩu dầu của Nga. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh vào dầu mỏ và doanh thu của Nga từ nhiên liệu hóa thạch. Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đang nhóm họp ở Brussels (Bỉ) để thảo luận các bước phối hợp hành động tiếp theo.

Khối Arab muốn làm trung gian hòa giải

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cùng với các thành viên của Nhóm liên lạc Liên đoàn Arab về khủng hoảng Ukraine vừa tham vấn Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, với mục tiêu đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong cuộc tham vấn, Nhóm liên lạc Liên đoàn Arab nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và chấm dứt khủng hoảng trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc. Phái đoàn Arab cũng thảo luận với ông D.Kuleba về những nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn, cũng như một thỏa thuận để giải quyết khủng hoảng, khôi phục hòa bình và an ninh. Các ngoại trưởng Arab cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp để đảm bảo an toàn cho các cộng đồng Arab ở Ukraine và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Arab muốn sơ tán sang các nước láng giềng.

Trước khi đến Ba Lan, Ngoại trưởng Ai Cập S.Shoukry cũng đã tới Moscow để thảo luận với người đồng cấp S.Lavrov nhằm thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột với đề nghị sẵn sàng làm trung gian hòa giải, đồng thời nhấn mạnh phải tiếp tục phối hợp để duy trì an ninh và an toàn của khu vực.

Nhóm liên lạc Liên đoàn Arab được thành lập trong phiên họp thứ 157 của Hội đồng AL vào tháng 3-2022, nhằm giải quyết các tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với khu vực Arab. Nhóm gồm các đại diện của Ai Cập, Jordan, Algeria, Iraq, Sudan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tin cùng chuyên mục