Xung đột lợi ích các bên liên quan làm sụp đổ nhiều doanh nghiệp lớn

Các chuyên gia cho rằng, những giao dịch bên liên quan có trục lợi thường là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp lớn, phá hủy giá trị cổ đông và làm mất lòng tin của nhà đầu tư vào tính liêm chính của thị trường.
Diễn đàn Quản trị Công ty 2017 ngày 12-10
Diễn đàn Quản trị Công ty 2017 ngày 12-10

Tại Diễn đàn Quản trị Công ty 2017 được tổ chức tại TPHCM chiều ngày 12-10, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện hai Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp (DN) đã tập trung thảo luận về cách thức hiệu quả nhất để quản trị DN xung đột lợi ích và giao dịch với bên liên quan (GDBLQ), nhất là đối với các công ty đại chúng (niêm yết trên sàn chứng khoán).

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, GDBLQ phổ biến ở hầu hết các DN thuộc nhiều lĩnh vực, loại hình và ngành hoạt động khác nhau ở Châu Á, cũng như ở Việt Nam. Mặc dù GDBLQ không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng xấu đến DN song luôn tiềm tàng rủi ro trục lợi của cổ đông trong các giao dịch không được thực hiện theo các điều khoản thị trường trong việc mua - bán hàng hóa, chuyển nhượng các tài sản vô hình hay góp vốn, hợp vốn liên doanh.

Những GDBLQ có trục lợi thường là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nhiều DN lớn, phá hủy giá trị cổ đông và làm mất lòng tin của nhà đầu tư vào tính liêm chính của thị trường. Trên thực tế, các GDBLQ có trục lợi đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh quản trị công ty hiện tại của các DN Việt Nam, diễn đàn này là cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận những thông lệ tốt nhất trong quản trị xung đột lợi ích và GDBLQ, nhằm xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững để thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, một môi trường GDBLQ lành mạnh với sự chỉ đạo chặt chẽ từ cấp cao nhất là rất quan trọng và tạo điều kiện cho nhân viên trong nội bộ công ty giám sát hiệu quả hơn. Quản trị DN vững mạnh được thể hiện qua ý chí và cam kết của lãnh đạo DN, hệ thống xác định trách nhiệm giải trình, thông qua sự công bằng, tính minh bạch cùng với trách nhiệm đối với chính DN và các bên liên quan.

Ông Chris Razook, Trưởng Bộ phận Quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, GDBLQ luôn được xem là tình huống có khả năng dẫn đến xung đột lợi ích nên cần phải được xem xét chặt chẽ. Từ đó, ông Chris Razook cũng khuyến nghị các công ty cần soạn thảo chính sách GDBLQ như một phần trong khung chính sách quản trị DN của mình và bảo đảm để mọi xung đột lợi ích tiềm ẩn trong GDBLQ được kiểm soát chặt chẽ.

Phát biểu tại đây, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, GDBLQ nếu ko có quy định chặt chẽ ở cấp độ công ty sẽ dễ bị lạm dụng, làm suy yếu sức cạnh tranh của công ty và là thách thức đối với tính liêm chính của thị trường vốn. Các công ty đại chúng, đặc biệt là các công ty niêm yết cần xây dựng các chính sách, quy trình nội bộ và cơ chế giám sát về GDBLQ phù hợp với quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục