Xúc tiến thương mại dệt may Việt Nam - Ấn Độ

Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM vừa phối hợp với Hiệp hội Bông và Sợi Việt Nam (VCOSA) tổ chức cuộc họp B2B giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Ấn Độ. 

Ông K Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, cho biết trong năm 2017, tổng thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ là 7,62 tỷ USD, với xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trị giá 3,75 tỷ USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trị giá 3,87 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2018, thương mại song phương giữa hai nước được ghi nhận 8,27 tỷ USD (tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm 2017). Hai nền kinh tế đang trên đà đạt được mục tiêu thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020 do nhà lãnh đạo của 2 nước thiết lập.

Trong lĩnh vực dệt may, số liệu thống kê của Chính phủ Ấn Độ cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ sang Việt Nam trong giai đoạn này tăng khoảng 42% so với trong giai đoạn 2016-2017, đạt mức 555 triệu USD. Mặc dù thương mại song phương trong ngành dệt đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm qua, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác cho thương mại song phương trong lĩnh vực dệt may giữa 2 quốc gia. Việt Nam hiện đang nhập khẩu nguyên liệu cho hàng may mặc như bông, sợi, phụ kiện và vải. Theo Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN, hầu hết các loại sợi bông, vải bông dệt thoi và vải dệt kim sẽ đủ điều kiện nhập khẩu miễn thuế vào Ấn Độ từ ngày 1-1-2019. Ấn Độ mang đến quan hệ hợp tác đáng tin cậy cho Việt Nam với tư cách là nhà cung cấp vật liệu, vải và máy móc chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trên thế giới. Các công ty Việt Nam cũng nên khám phá thị trường khổng lồ 1,3 tỷ dân ở Ấn Độ bằng cách đầu tư vào sản xuất sợi, vải, hàng may mặc... ở Ấn Độ. Đây là một trong những nước sản xuất dệt may hiệu quả trên thế giới về phương diện chi phí với sự hiện diện của toàn bộ chuỗi giá trị cho quá trình sản xuất dệt may, bắt đầu từ sản xuất sợi tự nhiên đến sản xuất sợi, vải và may mặc trong nước. Chính phủ Ấn Độ khuyến khích đầu tư bằng cách cho phép 100% đầu tư trực tiếp nước ngoài theo tuyến tự động trong ngành dệt may.

Tin cùng chuyên mục