Xúc cảm những đêm nhạc trực tiếp

“Ta gặp nhau, có đôi lần/ Ta chờ nhau, cũng đôi lần/ Rồi từng ngày như thế cứ trôi qua nhanh/ Ta không kịp có nhau/ Rồi từng ngày như thế, em không còn đó ngây thơ…”. Mở màn mini show tại phòng trà Vừng, ca sĩ Tăng Phúc gửi đến khán giả ca khúc Có đôi lần của nhạc sĩ Đức Trí. Giữa ánh đèn vàng ấm áp, anh nói thật bối rối vì hơn nửa năm rồi mới trở lại sân khấu phòng trà. 

Gần gũi và thân tình

Từ những ngày đầu tháng 11, công chúng yêu nhạc tại TPHCM lại được đắm chìm trong các đêm diễn ca nhạc, vốn đã im lìm suốt gần 5 tháng qua. Đêm nhạc mang tên Chỉ là không cùng nhau của ca sĩ Tăng Phúc - Trương Thảo Nhi diễn ra sau 3 đêm nhạc liên tiếp của ca sĩ Văn Mai Hương, cũng là chuỗi đêm diễn đánh dấu sự hồi sinh của ca nhạc phòng trà.

Tăng Phúc biểu diễn trong mini show Chỉ là không cùng nhau
Trên Facebook khán giả yêu nhạc, những đêm nhạc tại phòng trà Vừng được livestream liên tục. Nhiều người bày tỏ niềm phấn khởi khi có dịp quay lại không gian này, thưởng thức âm nhạc trực tiếp. “Tới bây giờ vẫn còn lâng lâng cảm xúc tối hôm đi nghe nhạc phòng trà. Gần nửa năm rồi mới được tận hưởng không khí đêm nhạc trực tiếp. Các ca sĩ mang đến đêm nhạc hay tê tái, từ ca khúc đến những sẻ chia, vài câu chuyện nhỏ”, bạn Võ Thị Ánh Ngọc (29 tuổi, nhân viên y tế Bệnh viện Hùng Vương, quận 5) nói. 

Bạn Ánh Ngọc chia sẻ, đi nghe nhạc trực tiếp phải đảm bảo nhiều yếu tố: “Mình và nhóm bạn phải tới sớm để khai báo y tế. Khán giả hầu hết được kiểm tra thẻ xanh. Với khách có thẻ vàng, phòng trà cho test nhanh Covid-19, nếu âm tính mới được vào. Mình thấy việc đo nhiệt độ cũng khá nghiêm ngặt. Các nhân viên quán trang bị găng tay, kính che giọt bắn đủ thứ”.  

Dù là khán giả mộ điệu ca nhạc phòng trà hay chỉ thỉnh thoảng mới đi, nhiều người cũng bày tỏ sự thích thú khi được ở trong không gian ấm áp, có nhạc, có nến và hoa, lại thêm những sẻ chia tâm tình của nghệ sĩ. Khán giả Nguyễn Thành Minh (34 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận Phú Nhuận) bày tỏ: “Quán  nhỏ thôi nhưng ấm cúng, nhạc lôi cuốn... Ở đây, mình cảm nhận được sự gần gũi, thân tình giữa nghệ sĩ và khán giả. Rất mừng khi những không gian âm nhạc có chất riêng như thế này đang hồi sinh sau đợt dịch lớn vừa qua. Hy vọng nhiều không gian âm nhạc khác cũng mở lại, để người yêu nhạc có cơ hội duy trì thói quen đi nghe nhạc sống”.

Khó, vẫn gượng dậy

Hàng loạt đêm diễn trong không gian phòng trà của các ca sĩ như Phương Thanh, Lê Hiếu, Ưng Hoàng Phúc, Văn Mai Hương, Nguyên Hà, Bùi Lan Hương, Thái Trinh, Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi, Hà Nhi, Dũng Hà Hakoota, Trịnh Thăng Bình, Quang Trung… được công bố từ ngày 5-11 trở đi nhanh chóng được công chúng yêu nhạc đón nhận. Các đêm diễn đầu như Hương show, Chỉ là không cùng nhau, Đừng chờ anh nữa… gần như “cháy vé”. Đặc biệt, 3 đêm nhạc của Văn Mai Hương đều “cháy vé” chỉ trong 24 giờ mở bán. 

Sau Văn Mai Hương, hàng loạt nghệ sĩ nhận lời tham gia hát phòng trà với các mini show đã ấn định lịch diễn như Sự thật vỡ đôi - Bùi Lan Hương (16 và 17-11), Tôi đi tìm tôi - Ưng Hoàng Phúc (18 và 19-11), Chờ mãi cũng đến cuối tuần - Nguyên Hà (20 và 21-11)… 

Trước đó, ca sĩ Văn Mai Hương xúc động bày tỏ: “Nửa năm qua, Hương nhớ quay quắt khán giả, sân khấu nhưng không biết làm gì hơn được vì cả nước oằn mình chống dịch. Vì vậy, ngay khi vừa được cho phép hoạt động trở lại, Hương nhận lời ngay. Ban đầu chỉ định nhận 2 đêm vì hát phòng trà mỗi đêm 15 bài rất mệt nhưng chỉ sau 24 giờ mở bán vé đã hết nên Hương quyết định hát thêm 1 đêm nữa. Những ai đi hát phòng trà đều biết đây là thử thách rất lớn vì đòi hỏi phải có sức khỏe cực tốt, Hương thấy thương khán giả nên liều luôn”. 

Nhà văn Hà Thanh Phúc, chủ phòng trà Vừng, cho biết, tổ chức một đêm nhạc phòng trà tại thời điểm này cần nhiều sự... dũng cảm. Để đảm bảo an toàn cho các đêm nhạc phòng trà, tất cả nhạc công, nhân viên đều phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 hoặc là F0 khỏi bệnh. Quán chỉ nhận 50% công suất và điều khó khăn nhất là phải tổ chức sớm. Nếu như trước đây, các đêm nhạc diễn ra từ 21 giờ thì bây giờ phải diễn sớm hơn, khoảng 19 giờ để kết thúc sớm lúc 21 giờ. Nhiều khách vẫn chưa quen với việc này. 

“Tổ chức các đêm nhạc lúc này không phải kiếm lời vì với lượng khách bây giờ hòa vốn đã là may. Cũng lo âu bởi vì sau dịch bệnh, hầu như ai cũng khó khăn về kinh tế. Nhưng chúng tôi vẫn làm vì lĩnh vực ca nhạc phòng trà tại thành phố vốn dĩ đã cực kỳ khó khăn, nếu mình không làm thì có thể dần dần, người ta sẽ mất dần thói quen đi nghe nhạc sống. Điều này sẽ vô cùng đáng buồn vì phòng trà ca nhạc, quán nhạc sống vốn dĩ là một phần văn hóa của thành phố. Hy vọng các phòng trà khác cũng sẽ mau chóng sáng đèn trở lại”, anh Phúc bày tỏ. 

Với rất nhiều thế hệ người yêu nhạc, thói quen đi nghe ca nhạc phòng trà đã gắn với thời thanh xuân của họ. Chuyện đi nghe nhạc phòng trà giữa thời điểm bình thường mới cũng là điều trước nay chưa từng có, và sự hồi sinh này đang đáp ứng mong muốn của nghệ sĩ và khán giả: được gặp lại nhau trong không gian gần gũi, ấm áp, trang nhã. Nói như ca sĩ Nguyên Hà, phòng trà là một không gian của cảm xúc, sẻ chia và yêu thương, ở đó chỉ có người nghệ sĩ và những khán giả của mình.

Trở lại biểu diễn tại phòng trà Vừng, ca sĩ Nguyên Hà cho biết rất vui vì sắp được gặp lại khán giả của mình. Trước dịch, Nguyên Hà thường hát 1 tháng 2 lần ở các phòng trà tại TPHCM như Chợ Gạo, Vừng, phòng trà We hay Mây lang thang (Đà Lạt), Memory (Đà Nẵng)… “Lâu không được hát cảm thấy rất nhớ cảm giác đứng dưới ánh đèn sân khấu, nhớ những tràng vỗ tay của khán giả. Thường những khán giả yêu thương mình mới bỏ tiền để đi nghe mình hát thôi, nên khi đứng trên sân khấu của phòng trà cảm giác rất ấm cúng và thân tình”, ca sĩ Nguyên Hà chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục