Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng đáng kể

Theo Bộ Công thương, tháng 5-2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 330 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 1,2 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Tuy không tăng nhiều nhưng kết quả xuất khẩu tôm thời gian qua đáng khích lệ, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang Mỹ, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, dự kiến vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo.

Các DN XK tôm cần dự báo thị trường, sản xuất đạt chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu
Tăng trưởng nhiều thị trường

Số liệu báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,2%. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) tôm sang Nhật Bản đạt 225 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái; XK sang Mỹ đạt 224 triệu USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, trong tháng 5, Hà Lan tăng trưởng 18,5%; Đức tăng trưởng 14,5%. Sau khi giảm trong 3 tháng đầu năm, XK tôm sang Trung Quốc đã phục hồi trở lại, trong tháng 5 đạt 60,3 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Dự đoán, giá tôm Việt Nam sẽ cao trong đầu quý 3, do tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao.

Theo VASEP, các doanh nghiệp (DN) XK cá ngừ nỗ lực cố gắng mở rộng sang các thị trường mới nhằm bù đắp lại lượng sụt giảm và đã ghi nhận một số tín hiệu tốt từ thị trường Nhật Bản, Ai Cập, Đức và Italy. Đáng chú ý, trong tháng 4, XK cá ngừ sang Thái Lan tăng 61%, Nhật Bản tăng 36% và Ai Cập tăng 59%; đặc biệt, cá ngừ chế biến XK sang Nhật Bản tăng 111% so với cùng kỳ. Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp XK sang Mỹ đang có xu hướng tăng số lượng và tăng giá so với cùng kỳ năm trước. Cũng như Mỹ, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các nước EU, Ai Cập tăng mạnh. Dịch bệnh đang khiến cho các nhà máy sản xuất cá ngừ của Tây Ban Nha, Italy… bị chậm lại. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng, do người tiêu dùng vẫn mua dự trữ và phù hợp với túi tiền. Chính vì vậy, DN cần theo sát thị trường để có những điều chỉnh thích hợp.

Kỳ vọng vào EVFTA

Nhờ phòng chống dịch Covid-19 tốt nên nhiều DN đã tăng sản xuất, chủ động nguồn hàng. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhìn nhận, tôm XK tăng nhiều thị trường nhưng giá trị không bằng so với cùng kỳ. Nhờ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan (là các nước có nguồn cung cấp tôm rất lớn cho nhiều thị trường) vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, khiến hoạt động khai thác tôm bị đình trệ... Tại Việt Nam, người nuôi tôm vẫn chủ động thả nuôi nên DN không phải lo ngại về vấn đề thiếu nguyên liệu. Do đó, các DN sản xuất hàng thủy sản cần chú ý theo dõi tiến độ XK và chủ động tăng cường công tác giám sát chất lượng hàng hóa. 

Trung Quốc phát hiện ổ dịch Covid-19 mới có liên quan đến chợ bán buôn nông sản tại Bắc Kinh sẽ phần nào tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản. Dự báo, các cơ quan Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc… đối với mặt hàng thủy sản. Cho nên, các nhà XK cần bám sát thị trường để có hợp đồng phù hợp, có thể tập trung chú trọng hợp đồng ngắn hạn. “Thời điểm dịch Covid-19 chưa kiểm soát được, thủy sản vẫn là mặt hàng thiết yếu, quan trọng, nên vẫn phải duy trì sản xuất là điều cần thiết. Với sự giãn cách xã hội của nhiều quốc gia, chắc chắn là nguồn cung sẽ giảm trong thời gian tới. Do đó, các DN trong nước đánh giá được tình hình nhập khẩu trong thời gian tới, để có kế hoạch sản xuất nhằm có lượng nguyên liệu tương đối. Đặc biệt, khi thế giới vượt qua Covid-19 sẽ tiêu thụ thủy sản rất mạnh, thì DN Việt Nam có đủ nguyên liệu để xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam không nên sản xuất ồ ạt, mà cần phải sản xuất đạt chất lượng như yêu cầu của thị trường, giá thành hợp lý nhất để bắt được nhu cầu mới trong thời gian sau dịch”, ông Trương Đình Hòe bày tỏ.

Cùng với đó, EVFTA sẽ giảm thuế suất gần hết các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là sản phẩm tôm. Đối với các mặt hàng chế biến, thuế suất sẽ về 0% theo lộ trình 5-7 năm. VASEP kỳ vọng, năm 2021, ngành thủy sản sẽ gặt hái được nhiều thành công nhờ hiệp định này. Bên cạnh các quốc gia XK tôm đang giảm sản lượng, Việt Nam đã có vùng nguyên liệu tốt, có thể phục vụ được thị trường EU. 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhận định, XK thủy sản năm nay khả năng phấn đấu đạt trên 10 tỷ USD. Quan trọng là sản xuất nâng cao chất lượng để đảm bảo các hàng rào kỹ thuật, đáp ứng thị trường khó tính. Lưu ý các vấn đề như: nhân công, bảo hiểm, lương, chi phí xây dựng kho bảo quản. Để khi thời cơ xuất hiện, Việt Nam có thể XK được vào thị trường lớn với nguyên liệu đang được dự trữ tại các DN. Tập trung xử lý môi trường, quan trắc, giống, thức ăn, thu hoạch, chế biến… Sản xuất đạt chất lượng tốt, sản phẩm không lo thiếu thị trường tiêu thụ.

Tin cùng chuyên mục