Xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ: Tận dụng tốt vai trò doanh nghiệp kiều bào

Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp (DN) kiều bào tại Mỹ được xem là cơ hội tốt để liên kết phát triển các kênh phân phối sản phẩm địa phương của Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng sang thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ.

Chưa vượt qua “ải” an toàn và chất lượng

Theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, sau nhiều năm thông quan, đến nay mới chỉ có 6 loại trái cây Việt Nam (gồm xoài, thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ với sản lượng còn rất khiêm tốn. Các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục mở đường để đưa thêm nhiều loại nông sản vào thị trường này. Trong khi đó, khả năng của DN về đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng mà thị trường yêu cầu chưa nhiều, hàng Việt cũng khó cạnh tranh về giá vì chi phí vận chuyển cao...

Điển hình như trái xoài, để được nhập khẩu vào thị trường Mỹ, xoài Việt Nam phải trải qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và những quy định từ đối tác như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý, chiếu xạ, kiểm dịch thực vật... Cụ thể, vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật và Văn phòng của Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cấp mã số để quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý với liều tối thiểu 40Gy, được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ: Tận dụng tốt vai trò doanh nghiệp kiều bào ảnh 1 Ca cao trồng tại tỉnh Bến Tre phục vụ xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Tương tự, với trái thanh long, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, mặc dù Việt Nam có sản lượng thanh long lên tới 2,7 triệu tấn/năm nhưng chỉ có khoảng 5% sản lượng xuất khẩu sang Mỹ, 62% bán sang Trung Quốc, còn lại là tiêu thụ trong nước. Một trong những nguyên nhân chính khiến loại trái cây này khó tiếp cận thị trường Mỹ là chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn do phía Mỹ đưa ra. Đó là chưa kể giá bán cũng rất cao, hiện 1kg thanh long tại Mỹ khoảng 2,4 USD, trong khi thanh long Việt Nam bán tới 7 USD nên rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại thị trường này.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ĐBSCL không còn bó hẹp cho tiêu thụ nội địa, bán nguyên liệu thô mà đang hướng đến liên kết sản xuất sản phẩm giá trị cao, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa phục vụ xuất khẩu vào các thị trường khó tính, trong đó có thị trường Mỹ. Đồng Tháp đang tập trung phát triển nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng và nguồn hàng ổn định quanh năm. Các sản phẩm như cá tra phi lê, collagen từ da cá, các loại sản phẩm làm từ gạo, trái cây đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác nhau. Tuy vậy, số DN địa phương hợp tác với các đối tác tại Mỹ, kể cả DN kiều bào còn rất ít. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp mỗi năm đạt 1,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ mới đạt hơn 200 triệu USD. Việc kết nối với các DN kiều bào tại Mỹ chính là cơ hội tốt để liên kết phát triển các kênh phân phối sản phẩm địa phương sang thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ.

Tiềm năng còn rất lớn

Theo nhận định của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, cộng đồng người Việt tại Mỹ khá lớn với hơn 2 triệu người, chiếm gần 50% người Việt ở hải ngoại, sở hữu hơn 300.000 cơ sở kinh doanh ở khắp các tiểu bang, sẽ là lực lượng hỗ trợ DN trong nước đưa hàng hóa thâm nhập thị trường Mỹ. Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, việc kết nối giữa các tỉnh ĐBSCL và các DN kiều bào tại Mỹ sẽ góp phần phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và DN. Với hệ thống giao thông, logistics không ngừng được đầu tư, phát triển, các tỉnh ĐBSCL đang trở thành một trong các đầu mối xuất khẩu hàng hóa lớn của cả nước.

Theo ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Mỹ, hiện nay có một số người nhập hàng Việt Nam và phân phối tại thị trường Mỹ nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, tại các siêu thị của Mỹ cũng xuất hiện một số loại trái cây từ Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng nếu để những người xuất nhập khẩu nhỏ lẻ, đơn phương làm thì khó kiểm soát chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu nhiều. “Các DN Mỹ có thể hôm nay họ nhập hàng Việt Nam, ngày mai họ lại nhập khẩu hàng của một quốc gia khác nếu hàng Việt Nam không duy trì chất lượng ổn định. Do vậy, nếu DN Việt Nam có một nơi tập trung hàng hóa để kiểm tra, kiểm soát tất cả tiêu chuẩn chất lượng sẽ đảm bảo uy tín thì hàng hóa Việt Nam sẽ xuất khẩu bền vững sang thị trường Mỹ”, ông David Dương nói.

Ông Nguyễn Trác Toàn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay quảng bá qua trực tuyến, mạng xã hội đang rất phổ biến nhưng đây chưa phải là thế mạnh của DN Việt Nam. Các DN trong nước cũng cần xem xét kỹ hợp đồng, chủ động phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ để có thông tin về đối tác. DN cần xác định là phải làm ăn bền vững, lâu dài. Bên cạnh đó, phải tuân thủ pháp luật hai bên, để góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước và đóng góp cho quê hương. Đồng thời, cần nghiên cứu có thêm nhiều hình thức, hoạt động tăng cường kết nối, triển khai những hoạt động thiết thực hơn nữa. Tăng cường liên hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ để được cung cấp thông tin về thị trường, các chính sách thay đổi từ pháp luật đầy đủ và kịp thời.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc các DN trong nước cần thay đổi toàn diện từ phương thức sản xuất và kinh doanh, chọn giống cây, ứng dụng công nghệ và chọn quy trình chế biến đạt năng suất cao, tốt cho môi trường. Cần có sự tham khảo và học hỏi nhiều hơn từ các nước có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông sản để đưa ra những sản phẩm tốt về chất lượng, đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Chỉ như vậy mới đáp ứng tốt các đơn hàng từ đối tác, tạo giá trị gia tăng cao cho nông sản Việt.

Tin cùng chuyên mục