Xuất khẩu hàng Việt qua kênh phân phối tăng

Các kênh phân phối hiện đại như Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Group… đã và đang tích cực xuất khẩu hàng Việt qua mạng lưới phân phối của mình tại nước ngoài, từng bước đưa hàng Việt vươn ra thế giới. 

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), sau 3 năm thực hiện đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” do Bộ Công thương triển khai, đã thu được những kết quả khả quan.

Chẳng hạn, MM Mega Market đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam, kênh phân phối này đang thu hút một lượng lớn hàng hóa có tính bản địa cao như thanh long, khoai lang xuất khẩu sang Thái Lan. Siêu thị AEON đang xuất khẩu 250 triệu USD/năm giá trị hàng hóa của Việt Nam, thông qua thương hiệu Top Value.

Theo cam kết của AEON, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối này sẽ tăng lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD. Central Group cũng đang xuất khẩu 46 triệu USD/năm qua các thị trường có hệ thống bán lẻ của tập đoàn này. 

Xuất khẩu hàng Việt qua kênh phân phối tăng ảnh 1 Saigon Co.op xuất khẩu hàng Việt qua Singapore

Không chỉ có nhà bán lẻ ngoại tích cực tham gia quảng bá, phân phối cho hàng Việt ở nước ngoài, mà nhà bán lẻ nội là Saigon Co.op cũng đã chủ động thực hiện chương trình này. Các thống kê của Saigon Co.op cho thấy, từ gần chục năm nay nhà bán lẻ này đã đều đặn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ... ra nước ngoài.

Năm 2018, Saigon Co.op đã xuất sang Singapore thông qua đối tác là Công ty NTUC FairPrice 650 mặt hàng và xuất sang Nhật Bản một số mặt hàng, thu về gần 2 triệu USD. Chia sẻ của lãnh đạo Saigon Co.op, việc thực hiện xuất khẩu hàng Việt qua Singapore và Nhật Bản sẽ là cơ sở để từ đây hàng Việt tiến bước vào các thị trường rộng lớn khác của thế giới. 

Tin cùng chuyên mục