Xuất khẩu cá tra giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL từ đầu năm đến nay khoảng 3.516ha (bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020), sản lượng thu hoạch ước đạt 932.000 tấn (bằng 81% so với cùng kỳ); trong đó sản lượng cá tra thu hoạch của tháng 8 giảm 44,9% và nửa tháng đầu tháng 9 giảm 77%.

Chiều 25-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến về “Giải pháp phát triển chuỗi ngành hàng cá tra sau giãn cách xã hội”, với sự tham gia của Bộ Y tế, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu… 
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL từ đầu năm đến nay khoảng 3.516ha (bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020), sản lượng thu hoạch ước đạt 932.000 tấn (bằng 81% so với cùng kỳ); trong đó sản lượng cá tra thu hoạch của tháng 8 giảm 44,9% và nửa tháng đầu tháng 9 giảm 77%.
Xuất khẩu cá tra giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9 ảnh 1 Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL giảm trong tháng 8 và tháng 9 do ảnh hưởng dịch Covid-19 

Cũng do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy chế biến ở ĐBSCL đều giảm công suất chế biến, giảm thu mua, từ đó khiến giá cá tra giảm ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn chi phí giá thành.

Toàn vùng hiện có khoảng 119 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu, với khoảng 190.000 lao động. Đến đầu tháng 9, cần gần 49% số lượng nhà máy ngừng hoạt động, số công nhân phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng 70%.

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khảu thủy sản Việt Nam nhìn nhận, từ giữa tháng 7 đến nay, do áp dụng kiểm soát dịch bệnh nên ở các tỉnh ĐBSCL đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản nói chung, trong đó ngành cá tra thiệt hại rất lớn. Cụ thể, số lượng nhà máy cá tra hoạt động “3 tại chỗ” công suất chỉ đạt 20-30%. Riêng ở TP Cần Thơ, hầu hết các nhà máy đều tạm ngừng hoạt động.

Dự kiến bước vào tháng 10, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, nhiễm bệnh, thiếu hụt tài chính để vận hành... cũng là trở ngại lớn để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất trở lại.

Chính vì những khó khăn trên, nên kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8-2021 đã giảm 28,5% so với cùng kỳ, dự kiến tháng 9 tiếp tục giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, nếu tính riêng xuất khẩu cá tra của 8 tháng đầu năm 2021 thì kim ngạch tăng 8,8% so với năm 2020.

Kết quả trên là nhờ sự tăng trưởng mạnh vào thời điểm đầu năm của một số thị trường như, Nga (tăng 113%), Ai Cập (tăng 87%), Brazil (tăng 75%), Comlubia (tăng 65%), Hoa Kỳ (tăng 45%)… Dự báo nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng, đặc biệt là tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Song, cái khó là nhiều doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất hoặc phục hồi khá chậm; từ đó nguy cơ sẽ mất những đơn hàng cuối năm và chưa dám nhận đơn hàng mới…

Xuất khẩu cá tra giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9 ảnh 2 Do giá cá tra ở mức thấp kéo dài nhiều năm qua, nên người nuôi cá tra tại ĐBSCL thấm mệt 

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị, từ năm 2019 đến nay, giá cá tra dao động ở mức thấp kéo dài nên người nuôi đã thấm mệt. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng rất khó bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, một số nhà máy duy trì hoạt động “3 tại chỗ” nhưng chi phí cao và nhiều rủi ro nên không hiệu quả.

Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL rất mong Bộ Y tế phân bổ vaccine nhiều hơn để đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa nhằm khôi phục sản xuất, chế biến theo tình hình mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, giãn nợ… giúp ngành cá tra sớm khôi phục, nhất là những tháng cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị các tỉnh ĐBSCL cần tháo gỡ khó khăn cho công nhân vận chuyển, thu hoạch cá tra được đi liên tỉnh. Bởi, vùng nguyên liệu nằm ở nhiều tỉnh nhưng do phòng chống dịch nên công nhân không thể sang tỉnh khác thu hoạch, khiến cá tra bị tồn đọng nhiều…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp ngành cá tra. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần áp dụng giãn cách ở vùng đỏ trong phạm vi nhỏ nhất để mở rộng vùng xanh, tạo điều kiện mở rộng sản xuất. Tới đây, Bộ Y tế xem xét cân đối nguồn vaccine nhiều hơn cho đối tượng hoạt động trong ngành cá tra…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng, trong quá trình mở rộng sản xuất, vấn đề cần quan tâm là nếu nhà máy chế biến xuất hiện ca F0 thì cần có cách ứng phó phù hợp, mà không phải phong tỏa toàn bộ. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng dây chuyền hợp lý, thiết kế phương án sản xuất tối ưu nhất nhằm xử lý nhanh, phạm vi hẹp, nếu trường hợp xảy ra dịch…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường liên kết vùng để phát triển ngành cá tra, bởi một nhà máy ở tỉnh này nhưng họ xây dựng vùng nuôi ở tỉnh khác và có thể thu mua, vận chuyển liên tỉnh với nhau. Vì vậy, các địa phương cần nhìn chung một hướng, cùng liên kết từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu; đặc biệt các doanh nghiệp cùng đồng thuận là rất quan trọng để đưa ngành cá tra tiến xa hơn.  

Tin cùng chuyên mục