Xuất bản năm 2021: Tự lực và chờ... trợ lực

Thông tin từ Đường sách TPHCM, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 15 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giảm 30,1% so với lúc dịch chưa bùng phát (năm 2019). Con số thống kê tại Đường sách TPHCM phần nào phản ánh tình hình chung của ngành xuất bản cả nước, khi khó khăn vẫn chưa dứt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.
Đường Sách TPHCM mở cửa lúc chưa xảy ra dịch Covid-19
Đường Sách TPHCM mở cửa lúc chưa xảy ra dịch Covid-19

Chủ động theo hướng tích cực

 Điểm qua doanh thu của một số nhà xuất bản (NXB) cho thấy, so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi có dịch, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của Huy Hoàng Books giảm 30%; doanh thu NXB Trẻ giảm khoảng 20% nhưng lại tăng so với năm 2020. Điều này cho thấy, bước sang năm thứ hai “chung sống” với dịch Covid-19, các đơn vị đã có sự chủ động ứng phó dựa trên tình hình thực tế. “Năm 2021, đúng vào dịp NXB Trẻ kỷ niệm 40 năm thành lập, chúng tôi đã có sự chủ động trong việc xuất bản. Nhờ đó, nhiều tựa sách và bộ sách phát hành có chất lượng, trình bày đẹp, được làm theo dạng combo, kịp thời đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trên cả nước. Điều đó cũng giúp chúng tôi có doanh số tương đối khả quan”, bà Phan Thị Thu Hà, Quyền Giám đốc NXB Trẻ, cho biết.

Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng theo bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, doanh thu của đơn vị có sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên doanh nghiệp đã chủ động và nỗ lực rất nhiều để ổn định bộ máy, tiếp tục sản xuất và gồng gánh, động viên nhau vượt qua dịch bệnh.

“Chúng tôi luôn cố gắng đi theo hướng tích cực, vì vậy đã lên phương án phát triển sản phẩm phù hợp với thời đại công nghệ, trong đó đặc biệt chú trọng về nghe - nhìn. Chúng tôi xây dựng lại trang web mới tích hợp được nhiều dịch vụ, chạy mượt trên giao diện cả máy tính bàn và điện thoại, xây dựng ứng dụng bán hàng… để có thể kinh doanh online hiệu quả và chu đáo hơn”, bà Lệ Chi nói thêm.

Có một thực tế là gần 2 năm qua, nhiều hội sách lớn như Hội sách Frankfurt, Hội sách Thiếu nhi Bologna, Hội sách Bắc Kinh, Hội sách Seoul… đã tạm ngưng do tình hình dịch bệnh, một số hội sách chuyển qua tổ chức theo hình thức trực tuyến. Việc này làm mất đi nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đối tác nước ngoài; không tận hưởng và cảm nhận được bầu không khí xuất bản đổi mới của từng khu vực. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số đơn vị, việc này không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề khai thác bản quyền, bởi những người làm sách trong nước cũng như trên thế giới thích ứng theo phương thức mới: mọi hoạt động chào bán, giao dịch diễn ra thông qua hình thức online.

Kiến nghị chính sách hỗ trợ

 Hơn hai mươi năm làm việc trong ngành xuất bản, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng, chưa bao giờ mà ngành xuất bản nói chung, các NXB và công ty phát hành nói riêng rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. “Sách cũng là một sản phẩm, giống như các loại hàng hóa khác, nhưng thị trường xuất bản đang gần như đóng băng, hàng ngàn cửa hàng sách trên toàn quốc phải đóng cửa. Sách không đến tay bạn đọc, doanh thu của từng NXB, các đơn vị phát hành gần như là trắng”, ông Lê Hoàng bày tỏ.

Vẫn theo ông Lê Hoàng, hiện nay sách chủ yếu được phát hành trên các kênh thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tình thế, không thể thay thế được thị trường truyền thống. Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, việc đưa sách đến bạn đọc đang rất khó khăn.

Bên cạnh đó, từ tháng 4 đến nay, giá giấy trong nước đã tăng từ 20%-30%. Một số nhà in buộc phải đóng cửa, một số vẫn làm việc nhưng chỉ duy trì công suất 30% so với trước. Theo bà Phan Thị Thu Hà, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là đầu ra. Từ đó, bà đề xuất: “Tôi nghĩ rằng, ngành xuất bản cần được hỗ trợ để đưa sách đến tay bạn đọc. Đây là mong muốn không chỉ của ngành xuất bản mà cả nhà phát hành. Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ khác, giảm các loại thuế như thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... cho doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn này”.

Ông Lê Hoàng cho rằng, mấy tháng vừa qua, mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn nhưng các NXB và công ty sách vẫn có thể gồng gánh được vì nhân lực và vật lực đang còn. Nhưng sắp tới, khi thị trường tiếp tục đóng băng, kinh doanh gần như kiệt quệ thì khả năng ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người lao động trong lĩnh vực xuất bản. “Tới đây, tôi sẽ kiến nghị với Ban thường vụ và lãnh đạo hội một số vấn đề như giãn nợ, giảm thuế, cho sử dụng vốn lưu động… nhằm hỗ trợ giải quyết phần nào khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng như đời sống người lao động”, ông Lê Hoàng cho biết.

Một vấn nạn tồn tại lâu nay - sách lậu tiếp tục trở thành nỗi “ám ảnh” đối với các đơn vị xuất bản trong nước. Sách lậu được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, không chỉ sách giấy mà cả Ebook, Audiobook cũng bị làm giả một cách công khai. Bà Nguyễn Lê My Hoàn, Giám đốc Xuất bản của Huy Hoàng Books, ngán ngẩm: “Ngay khi một tựa sách bestseller mà chúng tôi phải tốn kém rất nhiều tiền để mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, xuất bản… vừa ra đời, lập tức lọt vào thế “thập diện mai phục” của các tay làm lậu sách. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng mạnh tay làm sạch vấn nạn sách lậu để các đơn vị xuất bản có cơ hội tồn tại, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn này”.

Tin cùng chuyên mục