Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Nước lũ làm ngập vườn dâu tây của người dân Đà Lạt
Nước lũ làm ngập vườn dâu tây của người dân Đà Lạt
Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính...
Theo nghị định này, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100 triệu đồng. Khai thác trái phép cát, sỏi làm tăng rủi ro thiên tai phạt đến 25 triệu đồng. Đáng chú ý, hành vi neo đậu không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; phạt tiền từ 8 - 15 triệu đồng đối với hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai. Đối với hành vi làm hư hại công trình phục vụ phòng, chống thiên tai phạt tiền từ 25 - 40 triệu đồng.
Đặc  biệt, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực hiện. Đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2017. 

Tin cùng chuyên mục