Xử phạt thợ điện 90 triệu đồng vì đổi 100 USD là có căn cứ, nhưng cần phù hợp thực tiễn

Liên quan đến vụ việc một thợ điện bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD xảy ra tại TP Cần Thơ, chuyên gia luật cho rằng “quyết định xử phạt là có căn cứ, tuy nhiên cần phải phù hợp với thực tiễn đời sống”.

Ngày 4-9-2018, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định 2284/QĐ-XPHC xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đối với anh Nguyễn Cà Rê (SN 1980, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”.

Trước đó, anh Rê bị lực lượng chức năng bắt quả tang sau khi đổi 100 USD (do người bạn tặng) tại một cơ sở kinh doanh nữ trang thuộc quận Ninh Kiều TP Cần Thơ.

Nhận quyết định xử phạt, anh Rê cho rằng “Bản thân không biết nơi anh đổi tiền không được phép mua bán ngoại tệ, đồng thời anh cũng không ngờ mình lại bị xử phạt nặng đến vậy”.

Về phía dư luận, quyết định trên đã gây ra sự chú ý lớn trong người dân TP Cần Thơ, cũng như các diễn đàn mạng xã hội.

Có người cho rằng quyết định xử phạt trên là phù hợp, vì luật đã quy định rõ hành vi, cũng như mức phạt. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng quyết định trên là quá nặng đối với anh Rê, trong khi thực tế hoạt động thu đổi ngoại tệ tương tự diễn ra khá phổ biến.

Ngoài xử phạt anh Rê, UBND TP Cần Thơ cũng ra quyết định xử phạt cơ sở thu mua 100 USD của anh này tổng số tiền 295 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tịch thu tang vật là 100 đô la Mỹ cùng số tiền đã quy đổi là 2.260.000 đồng.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Văn phòng luật sư Vạn Lý (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng: “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký (Căn cứ theo Nghị định số 96/NĐ-CP ngày 17-10-2014) thì hoàn toàn có căn cứ và không sai".

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Đức thì “Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, để nghị định này đi vào thực tiễn đời sống. Lý do thứ nhất, đối với người đổi ngoại tệ thì việc bị tịch thu số tiền ngoại tệ được đổi cũng đã đủ tính răn đe, trong khi mức phạt hiện nay là khá cao. Thứ hai, đối với người muốn đổi ngoại tệ thì trên thực tế họ không thể yêu cầu cơ sở thu đổi ngoại tệ cung cấp, cũng như xuất trình các giấy chứng minh đủ điều kiện đổi ngoại tệ.”

Tại Điều 24, Nghị định 96 nêu rõ hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối sẽ có các mức phạt từ 20 đến 100 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.

Được biết anh Rê hành nghề sửa chữa điện, lương hằng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Số tiền 100 USD trên anh Rê được người bạn cho. Vì túng tiền nên anh mang ra tiệm vàng đổi để tiêu xài.

Tin cùng chuyên mục