Xử phạt nhiều tài xế vi phạm

Nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên toàn địa bàn thành phố đã bị lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (TTGTVT) TPHCM phát hiện, xử phạt trong 3 tháng đầu năm nay, trong đó có hàng trăm lỗi liên quan trực tiếp đến lái xe.
Tài xế ký biên bản vi phạm luật giao thông tại cửa ngõ phía Đông thành phố Ảnh: CAO THĂNG
Tài xế ký biên bản vi phạm luật giao thông tại cửa ngõ phía Đông thành phố Ảnh: CAO THĂNG

Đủ dạng vi phạm

Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM Trần Quốc Khánh cho biết, trong quý 1 năm nay, TTGTVT đã phát hiện, lập biên bản xử lý 2.111 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 9,2 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là các hành vi vi phạm diễn ra dưới nhiều dáng vẻ, trong đó nhiều nhất là các lỗi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa với 672 vụ với số tiền phạt hơn 8,7 tỷ đồng. Trong số này, xử phạt lái xe điều khiển phương tiện là 150 vụ, chủ yếu liên quan đến hành vi chở hàng quá tải trọng quy định của cầu, đường bộ và vi phạm về xe quá khổ.

Trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai cao điểm kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện, trong 3 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra gần 600 phương tiện, lực lượng TTGTVT đã phát hiện 15 trường hợp sử dụng chất kích thích, 29 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Tại điểm nóng khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, thông qua phối hợp liên ngành cũng như qua công tác kiểm tra độc lập theo thẩm quyền, TTGTVT đã phát hiện và xử lý 273 vụ vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực cảng. Xử phạt bằng tiền hơn 857 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong 2 tháng đối với 24 trường hợp.

Đáng chú ý là thời gian qua những hành vi vi phạm về an toàn kỹ thuật phương tiện của ô tô cũng được TTGTVT dành nhiều quan tâm, đặc biệt tại khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố. Không phải ngẫu nhiên mà khu vực cửa ngõ phía Đông được lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm. Đơn giản là do đặc thù và tính chất trọng điểm của cụm các quận 2, quận 9 và Thủ Đức nằm ở cửa ngõ này. Khu vực cửa ngõ phía Đông tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai vốn dĩ có lưu lượng phượng tiện tham gia giao thông đông đúc với các tuyến đường trọng điểm tiêu biểu như quốc lộ 1, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, khu công nghệ cao, khu chế xuất Linh Trung 1 và 2… Nói cách khác, cửa ngõ phía Đông thành phố có đặc thù tập trung hàng loạt luồng tuyến tỏa đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc, đồng nghĩa thường xuyên trở thành điểm nóng về trật tự an toàn giao thông. Không những thế, khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố còn là nơi có nhiều bến cảng, kho bãi hàng hóa mà chỉ nhắc tên thôi cũng đủ để biết mức độ bức bối giao thương đi lại ở đó như cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng ICD Sotrans, Khu công nghiệp Cát Lái… Các chuyên gia ước tính, vào lúc cao điểm tại cảng Cát Lái, bình quân có đến 20.000 - 22.000 lượt phương tiện ra vào cảng. 

Trong 3 tháng đầu năm, Đội 5 TTGTVT, đơn vị quản lý địa bàn, đã tổ chức 146 đợt kiểm tra và đã lập 24 biên bản xử phạt với số tiền phạt 224,7 triệu đồng do các lỗi liên quan đến vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đội trưởng Đội 5 TTGTVT Lê Hoàng Nam cho biết, các lỗi vi phạm này rất đa dạng, gồm nhà xe tự ý lắp thêm giường nằm, để hàng hóa trong khoang hành lý, sử dụng lái xe không có chứng chỉ nghiệp vụ, tháo bớt ghế ngồi và tự ý thay đổi kết cấu xe không đảm bảo an toàn...

Xử phạt không dễ

Có một thực tế là không phải lúc nào lực lượng TTGTVT cũng xử lý được các hành vi vi phạm. Các đợt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện đã cho thấy rõ điều này. Các thanh tra viên Đội 5 TTGTVT cho biết, khi bị phát hiện hành vi thay đổi kết cấu xe, lắp thêm hoặc tháo bớt giường ghế, hạ gầm xe… phía nhà xe thường gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra bằng nhiều cách như không cho gỡ tem kiểm định mặc dù hành vi vi phạm thuộc dạng bị tước tem kiểm định lẫn sổ kiểm định từ 1-3 tháng. Trường hợp khác là đối với các hành vi thay đổi thiết kế xe như lắp bảng điện Led phía trước kính chắn gió, lắp tivi, đấu nối hệ thống điện trên xe… đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng làm căn cứ cho việc xử phạt trong khi những hành vi tự ý lắp đặt tivi rồi đấu nối vào hệ thống điện trên xe, nếu làm không đúng kỹ thuật sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ phương tiện khi đang lưu thông như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Liên quan đến khó khăn trong khi tác nghiệp, một số thanh tra viên kể rằng trong khi thi hành nhiệm vụ, việc đối tượng vi phạm không hợp tác với lực lượng chức năng là chuyện xảy ra như cơm bữa. Khi phát hiện xe quá tải, thanh tra viên cần leo lên xe kiểm đếm hàng hóa để xác định vi phạm thì tài xế đóng cửa xe, bỏ đi với chủ ý gây khó khăn vì theo nguyên tắc, không có mặt chủ xe thì TTGTVT không thể kiểm đếm hàng trên xe. Xe khách vi phạm đón trả khách sai quy định, nói nôm na là đón trả khách dọc đường, bị TTGTVT tuýt còi thì lái xe nổ máy bỏ chạy. Đây là một tình huống khó xử lý đối với các thanh tra viên TTGTVT. Khó xử lý không phải vì hành vi phức tạp hay xe công vụ của TTGTVT không thể đuổi kịp xe khách vi phạm mà mấu chốt là vì sự an toàn của các hành khách đang ngồi trên xe. Tâm lý là khi đối tượng vi phạm đã chọn cách bỏ chạy thì càng bị đuổi theo, họ sẽ càng phóng nhanh hơn, tức là tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông lớn hơn. Ngoài ra còn nhiều hình thức chống đối, gây khó khăn cho tác nghiệp của lực lượng TTGTVT như đối tượng vi phạm không chịu ký tên vào biên bản xử lý; không xuất trình giấy tờ; cố tình dừng xe giữa đường mà không chấp hành điều khiển xe vào lề theo chỉ dẫn của người thi hành công vụ vì chủ đích của lái xe là để TTGTVT sẽ buộc phải làm lơ nếu không muốn gây ra kẹt xe…

Những dẫn chứng nêu trên vẫn chưa nói hết được sự phức tạp mà lực lượng TTGTVT thành phố đối diện khi tuần tra kiểm soát trên đường phố. Trong hầu hết trường hợp vi phạm bị phát hiện, các bác tài thường có khuynh hướng năn nỉ, ca cẩm, kể khó kể khổ để xin các thanh tra viên bỏ qua. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn…”, “Vì cuộc sống, phải lái xe, không kiếm được nghề khác…”, “Đã nghỉ hưu, vì mưu sinh nên phải làm thế…” là những điệp khúc tiêu biểu và quen thuộc được người vi phạm nêu ra mỗi khi bị phát hiện, xử lý.

Chưa hết, không ít lần lực lượng chức năng còn bị canh ngược bởi các đối tượng vi phạm. Khi thấy đoàn kiểm tra liên ngành đến, đột nhiên có người la lớn lên để báo động cho các xe có hành vi vi phạm kịp “thu dọn hiện trường” hoặc tháo chạy đi nơi khác! Chúng tôi đã từng tận mắt chứng kiến trong một lần ra quân cách đây chưa lâu, khi lực lượng TTGTVT thành phố còn cách điểm kiểm tra khoảng 500m, một người điều phối hãng xe taxi nọ đã dùng bộ đàm thông báo cho các xe của đơn vị mình đang dừng đậu bừa bãi, trái phép gần đó biết để lái xe rời đi, bởi thế khi xe công vụ của TTGTVT tới nơi thì không còn chiếc taxi nào!

Tin cùng chuyên mục