Xử phạt 98 trường hợp không hợp tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết

TPHCM đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó, tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm để phát sinh ổ dịch, ổ lăng quăng. Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã xử phạt 98 trường hợp vi phạm.


Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước để phòng tránh dịch SXH
Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước để phòng tránh dịch SXH

"Dù đã kéo giảm được đà tăng của sốt xuất huyết (SXH), nhưng hiện công tác phòng chống dịch bệnh vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Trong đó, một phần nguyên nhân do thực hiện phun hóa chất không đúng cách, nhiều dụng cụ trong gia đình mà người dân không lưu tâm đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sản...".

Đó là nhận định là PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM chiều 11-8. 

Trước thắc mắc về thông tin hiện nay muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền bệnh đã kháng với các loại hóa chất khiến cho công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả, PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết, các hóa chất đưa vào công tác phòng chống dịch hàng năm bắt buộc phải thử thực địa ở các địa phương và cho hiệu quả tốt thì mới đưa vào đấu thầu. Do đó, thông tin muỗi Aedes đã kháng hóa chất là không đúng.

“Việc đánh giá muỗi có kháng hóa chất hay không cần phải đánh giá bài bản dựa trên cơ sở khoa học và việc phun xịt hóa chất trên diện rộng vẫn phải triển khai để dập dịch”, PGS.TS Phan Trọng Lân cho hay.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Trọng Lân, hiện nay việc phun hóa chất vẫn được thực hiện nhưng vấn đề là chưa cách đúng. Điều này khiến cho công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả. Điển hình như việc phun hóa chất không đúng giờ, phun vào thời điểm muỗi đi ngủ hoặc vào thời điểm nhiệt độ quá nóng... Có nơi thậm chí phun hóa chất vào 2 giờ chiều, lúc nhiệt độ trên 30 độ C, thì không thể diệt muỗi.

Xử phạt 98 trường hợp không hợp tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết ảnh 1 Phun hóa chất diệt muỗi thường xuyên để ngăn chặn dịch SXH đang bùng phát

Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế pha hóa chất không đúng kỹ thuật, phun không đúng, không trúng mục tiêu. Và nhiều nơi chỉ phun hóa chất mà không diệt lăng quăng thì chỉ khoảng 6-7 ngày sau lăng quăng sẽ nở ra muỗi và mật độ muỗi lại dày đặc như cũ.

Do đó, ông Lân cho rằng, cần phải thực hiện phun hóa chất một cách triệt để. Cứ sau 1-2 tuần phải tiến hành phun trở lại thì mới được diệt hết số muỗi mới sinh. Ngoài ra, một biện pháp quan trọng khác là phải tìm ra các ổ lăng quăng, bọ gậy nguồn và loại bỏ chúng.

Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có 80.555 trường hợp mắc SXH. Trong đó, có 69.085 trường hợp nhập viện, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng tại TPHCM, tính đến ngày 10-8, có 12.200 ca mắc SXH nhập viện, tăng 27%  so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong 7 tuần liên tục vừa qua số ca mắc hàng tuần tương đối ổn định, trung bình khoảng 500 ca bệnh/tuần.

Hiện TPHCM đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch như sử dụng hệ thống GIS xác định, khoanh vùng ổ dịch; giám sát các điểm nguy cơ; tổ chức, duy trì các đội xung kích diệt lăng quăng tại các khu dân cư... Đặc biệt, tăng cường xử phạt theo Nghị định 176 các trường hợp vi phạm để phát sinh ổ dịch, phát sinh ổ lăng quăng trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay, TPHCM đã xử phạt 98 trường hợp vi phạm.

Tin cùng chuyên mục