Xử nghiêm việc nhập nhèm bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa của nhà trường

Cứ đầu năm học mới, vấn đề sách giáo khoa (SGK) lại “nóng”. Vừa qua, vụ việc bộ SGK, sách tham khảo và đồ dùng học tập lớp 1 được Trường Tiểu học An Phong (quận 8, TPHCM) giới thiệu với phụ huynh giá 807.000 đồng đã gây bức xúc dư luận. Hiện vụ việc vẫn chưa hết “nóng” trên cộng đồng mạng xã hội. Ngày 8-9, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã trao đổi làm rõ thêm vấn đề này.
Cứ đầu năm học, vấn đề SGK lại "nóng"
Cứ đầu năm học, vấn đề SGK lại "nóng"

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại sao tình trạng phụ huynh bức xúc vì phải mua sách tham khảo kèm SGK trong đầu năm học cứ tái diễn?

ÔNG THÁI VĂN TÀI: Trước hết, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định rất rõ đối với vấn đề SGK và sách tham khảo. Theo đó, đối với tài liệu tham khảo, các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 7-7-2014 quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học.

Cụ thể, yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.

Như vậy, quy định về SGK và tài liệu tham khảo là rất rõ ràng, trong đó SGK là tài liệu bắt buộc, các trường trang bị đúng quy định. Còn tài liệu tham khảo thì các trường có trách nhiệm trang bị cho giáo viên để phục vụ công tác dạy học, đồng thời thông báo cho phụ huynh biết để trang bị cho học sinh, cấm ép buộc mua tài liệu tham khảo. Bên cạnh đó, sách tham khảo đưa vào trường học cũng phải trên cơ sở đề xuất của giáo viên, tổ chuyên môn, bất cứ ai cũng không được ép buộc phụ huynh mua sách tham khảo, nhà trường chỉ thông báo, hướng dẫn cho phụ huynh mua. Tôi xin nhắc lại, điều này đã được Bộ GD-ĐT quy định rất rõ.

Như vậy, nếu nhà trường cung cấp thông tin mà khiến phụ huynh hiểu nhầm là bắt buộc mua sách tham khảo thì nhà trường sai. Hoặc nếu trường hợp do trường thông tin không đầy đủ thì phụ huynh cũng cần chủ động hỏi lại đâu là SGK, đâu là tài liệu tham khảo để mua cho con em mình, tránh  tình trạng hiểu không đúng, phải mua các loại sách tham khảo không cần thiết.

*Vậy với vụ việc vừa qua ở Trường Tiểu học An Phong (quận 8, TPHCM) cũng như một số nơi khác,  Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra sao?

Xử nghiêm việc nhập nhèm bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa của nhà trường ảnh 1 TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT

* Bộ đã có văn bản chỉ đạo kịp thời. Theo đó, Giám đốc các Sở GD-ĐT phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021. Thực hiện nghiêm các quy định về SGK và sách tham khảo.

GD-ĐT cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước ngày 20-9, các Sở GD-ĐT phải báo cáo về Bộ GD-ĐT kết quả thực hiện.

* Năm nào Bộ GD-ĐT cũng có chỉ đạo nhưng vẫn xảy ra tình trạng đó, phải chăng là do các trường học cố tình nhập nhèm để bán sách tham khảo kèm SGK?

* Lâu nay, việc mua sách vở, đồ dùng học tập được nhiều địa phương thực hiện theo hình thức nhà trường cung cấp danh mục sách - vở cần mua sắm cho năm học mới và phụ huynh học sinh đăng ký mua thông qua cơ sở giáo dục phổ thông. Song do nhiều nguyên nhân khiến việc trang bị SGK vẫn xảy ra tình trạng “nhập nhèm” gây ảnh hưởng và mất lòng tin của phụ huynh, xã hội.

Thực tế cho thấy, vẫn xảy ra tình trạng nhà trường chưa làm tốt công tác thông tin tới phụ huynh về loại SGK bắt buộc phải trang bị và sách theo nhu cầu. Điều này khiến việc mua sách không sát nhu cầu người học, giá thành các bộ SGK (cả sách tham khảo và bắt buộc) đẩy cao so với khả năng của nhiều gia đình.

Một vấn đề quan trọng là phụ huynh phải đóng vai trò là một phụ huynh thông thái. Các quy định về sách tham khảo của bộ được thông tin rất rộng rãi, phụ huynh cần nắm rõ để trang bị đúng các tài liệu cần thiết. Nếu phát hiện trường làm không đúng thì phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử nghiêm. Còn hiện nay, chủ yếu thông tin phản ánh qua báo chí dưới tình trạng phiếm chỉ nơi này nơi kia mà không có địa chỉ cụ thể, nên cơ quan quản lý không có căn cứ để xử lý. Chúng tôi khi đi kiểm tra, trường nói là chỉ thông báo cho phụ huynh, không bắt buộc mua, rất khó xử lý.

Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng này, các trường học phải thực hiện nghiêm quy định SGK là bắt buộc, còn tài liệu tham khảo thì trường phải nói rõ cho phụ huynh. Đồng thời, rất cần vai trò giám sát, phản biện của các phụ huynh, báo chí phản ảnh để cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ xử lý nghiêm. Các cơ quan chức năng ở địa phương phải kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Nếu thực hiện được vậy thì câu chuyện này sẽ được xử lý dứt điểm.

Tôi xin khẳng định lại, điều lệ trường học đã quy định rất rõ, nghiêm cấm bất cứ ai ép buộc mua tài liệu tham khảo. Nếu trường nào không thực hiện nghiêm thì phải xử lý. Bộ GD-ĐT đã ban hành hành lang pháp lý đầy đủ về vấn đề này, vấn đề còn lại chỉ là giám sát của xã hội, phụ huynh, nên chỉ rõ vi phạm của từng địa chỉ cụ thể; cùng với đó, cơ quan quản lý tăng cường thanh tra, xử lý. Nhập nhèm bán sách tham khảo kèm SGK hoàn toàn là vi phạm của trường. Ở đâu sai phạm thì ở đó cơ quan chức năng ở địa phương phải xử lý.

* Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, SGK lớp 1 năm nay khó mua ở nhà sách, chủ yếu là mua ở trường?

* Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ thống phát hành khó khăn, do đó các trường chủ yếu chọn kênh phát hành qua kênh trường để sách kịp thời đến học sinh. Từ năm sau, việc phát hành SGK sẽ vận hành bình thường.

 *Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục