Xử lý vụ phá rừng Thượng Sơn: Bỏ phiếu kín, 20/20 phiếu kiến nghị không xử lý kỷ luật

Ngày 5-12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã có báo các kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với kiểm lâm địa bàn để xảy ra vụ phá rừng tại thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), vụ việc trước đó Báo SGGP đã thông tin, phản ánh.
Hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 235. Ảnh: NGỌC OAI
Hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 235. Ảnh: NGỌC OAI

Vụ phá rừng xảy ra ở khoảnh số 2, 3, tiểu khu 235 (thuộc xã Tây Thuận), rừng được quy hoạch chức năng rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh (nằm trong danh mục rừng cần được phục hồi).

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, tổng diện tích rừng bị tàn phá là 1.174m², trong đó diện tích thuộc UBND xã Tây Thuận quản lý là 730m²; rừng được giao cho các hộ dân quản lý theo Dự án Khôi phục và phát triển rừng bền vững (KFW6), khoanh nuôi tái sinh là 444m².

Sau khi có phản ánh về vụ phá rừng, đơn vị chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng xác định hiện trường có 18 gốc cây có đường kính lớn bị cưa hạ nằm rải rác ở 6 vị trí.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm Bình Định cùng với Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Huỳnh Văn Bang là lao động hợp đồng của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn.

Ông Bang được giao nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã Tây Thuận thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp tại xã này.

Tại cuộc họp, tập thể Hạt Kiểm lâm Tây Sơn đã bỏ phiếu kín kiến nghị hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Bang; song kết quả bỏ phiếu có 20/20 phiếu kiến nghị không xử lý kỷ luật, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Bang.

Cây rừng tự nhiên bị cưa hạ trơ cội. Ảnh: NGỌC OAI

Mặc dù không xử lý kỷ luật đối với ông Bang, song Chi cục Kiểm lâm Bình Định yêu cầu ông này nghiêm túc rút kinh nghiệm khi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ phá rừng ở tiểu khu 235.

Phía Sở NN-PTNT Bình Định cũng đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này có thông báo phê bình trong toàn lực lượng kiểm lâm đối với ông Bang vì có khuyết điểm, chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; chủ quan không nắm bắt được thông tin phản ánh về tình trạng phá rừng, chặt cây, đốt thang trên địa bàn dẫn đến rừng bị phá mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Trước đó, vào cuối tháng 7-2020, Báo SGGP phản ánh về tình trạng phá rừng tại khu vực rừng có tục danh Đồng Hào (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận). Rừng bị tàn phá là rừng tự nhiên, hệ rừng nghèo cần được tái sinh, trong đó có diện tích rừng thuộc dự án KFW6 được giao cho người dân để khoanh nuôi tái sinh rừng trở lại.

Nhiều cây rừng tự nhiên bị các đối tượng cưa trơ cội. Ảnh: NGỌC OAI

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài những cây rừng tự nhiên bị cưa hạ gốc, các đối tượng tổ chức phát rừng rồi đốt thành khoảnh để lấy đất trồng rừng mới; khoảnh rừng nham nhở với những dấu phát hạ mới cũ từ nhiều thời điểm. Từ phía ngoài, nhiều diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm phát để trồng keo, tràm…

Sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Tây Sơn phải điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng tại tiểu khu 235, thuộc thôn Thượng Sơn.

Tin cùng chuyên mục