Xử lý rác thải theo hướng đốt phát điện

Tình trạng xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp thời gian qua đã làm phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng môi trường sống, nhất là đối với người dân sống ở khu vực các quận 7, 8, huyện Nhà Bè và Củ Chi. Trước thực tế đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT gấp rút chuyển đổi phương thức xử lý rác thải sang hướng đốt rác phát điện. 
Một bãi chôn lấp rác tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một bãi chôn lấp rác tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ô nhiễm đã đến mức đáng lo ngại

Tại cuộc họp báo cáo UBND TPHCM về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết lượng rác thải sinh hoạt thành phố hiện đã đạt ngưỡng hơn 9.000 tấn/ngày. Thế nhưng, phần lớn lượng rác này đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, chỉ một số ít được xử lý bằng đốt và làm phân compost.

Cụ thể, lượng rác chôn lấp là 6.200 tấn/ngày, chiếm gần 68%; đốt và tái chế thành compost đạt khoảng 2.800 tấn/ngày, tỷ lệ 32%. Trong đó, tại nhà máy xử lý của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa xử lý đốt 1.300 tấn/ngày; Công ty cổ phần VietStar xử lý compost tái chế 1.500 tấn/ngày; còn lại xử lý chôn lấp tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS). 

Tỷ lệ sử dụng công nghệ chôn lấp cao là nguy cơ tiềm tàng gây ô nhiễm thứ phát cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều người dân khu vực quận 7, 8, huyện Nhà Bè và Củ Chi phản ánh tình trạng mùi hôi khu xử lý chất thải rắn Đa Phước thường xuyên xảy ra, nhất là từ 15 giờ đến 22 giờ. Mùi hôi này càng nặng nề hơn vào những ngày mưa, sương mù.

Thậm chí, tại khu vực quận 7, quận 8, nhiều nhà dân đã phải lắp đặt hệ thống cửa kính để chống mùi hôi xâm nhập vào nhà. Đáng lo ngại hơn, điều tra của Ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương (ADB) cho thấy, kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050 và 2100 dự báo 90% diện tích bãi chôn lấp chất thải tại Đa Phước có nguy cơ bị ngập. Hậu quả môi trường kéo theo sẽ là phát tán các chất ô nhiễm từ bãi chôn lấp ra môi trường xung quanh. 

Cũng do biến đổi khí hậu, mưa bão ngập lụt tăng cao có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống quản lý chất thải (bao gồm cả thu gom, vận chuyển, xử lý), giảm hiệu suất và tuổi thọ của công trình, thiết bị và phương tiện hoạt động. Còn hiện tại, để có thể đảm bảo vận chuyển hết rác trong thành phố về các khu xử lý, các công ty dịch vụ công ích phải quay đầu xe ép rác chạy xuyên trung tâm thành phố bất kể giờ nào trong ngày. Tình trạng này cộng với mật độ giao thông thành phố đông đúc, nhất là giờ cao điểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống của người dân. 

Chuyển đổi công nghệ xử lý

Trước thực trạng đó, tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đã yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan gấp rút chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải theo hướng đốt phát điện. Cũng theo Chủ tịch UBND TP, từ năm 2016, thành phố đã có chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải đối với những doanh nghiệp (DN) đang xử lý hiện hữu và thu hút đầu tư DN mới đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện. Thế nhưng, việc chuyển dịch công nghệ này đang diễn ra khá chậm. Đến nay, vẫn chưa có dự án đốt rác phát điện nào đi vào hoạt động. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong quy hoạch phát triển, chất thải của thành phố nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng, tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng. Để đạt mục tiêu này, Sở TN-MT đã xây dựng lộ trình buộc DN đang xử lý chất thải phải chuyển đổi công nghệ xử lý.

Theo đó, VWS cam kết chuyển 2.000 tấn rác đang được chôn lấp hợp vệ sinh sang công nghệ đốt, thu khí gas. Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty VietStar đang quá trình làm thủ tục xin giấy phép để xây dựng nhà máy xử lý rác dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn/ngày. Sở TN-MT đã yêu cầu 2 DN đến cuối năm 2020 phải đưa vào vận hành 2 nhà máy này, nếu không chuyển đổi công nghệ, buộc phải dừng một phần hợp đồng đã ký trước đây với các nhà máy. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cũng đang làm đề án xin chuyển đổi và đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện. 

Riêng với dự án đầu tư mới, dự kiến từ ngày 5-8 đến 5-9-2019, Sở TN-MT sẽ triển khai đấu thầu rộng rãi đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện có công suất 1.000 tấn/ngày. Đồng thời, sở sẽ tham mưu UBND TPHCM rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công trong quý 2-2020.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia môi trường, đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt là hoạt động đầu tư công. Thế nhưng, việc đưa ra tiêu chí để tham gia hồ sơ thầu và đấu thầu dự án xử lý rác thải trên địa bàn thành phố chưa tính đến yếu tố phù hợp cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các DN Việt tham gia đầu tư. Thậm chí, có những tiêu chí mà DN Việt dù có nội lực cũng không phù hợp.

Do vậy, nên chăng cần tính toán yếu tố tiêu chí kỹ thuật, công nghệ phù hợp hơn với nội lực DN Việt, tạo điều kiện để DN trong nước có cơ hội tham gia thực hiện dự án đầu tư công, phù hợp với chủ trương của Chính phủ khuyến khích DN Việt phát triển bền vững, chắc chân ngay trên sân nhà.

Tin cùng chuyên mục