Xử lý qua phản ánh trực tuyến chưa căn cơ

Ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động để tiếp nhận phản ánh của người dân đã trở thành công cụ được nhiều quận huyện tại TPHCM sử dụng. Không phủ nhận các địa phương đều tích cực xử lý các phản ánh của người dân, song ở nhiều điểm, việc xử lý chưa mang lại hiệu quả lâu dài.
Bị phản ánh hàng chục lần nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh) để kinh doanh vẫn chưa giải quyết dứt điểm
Bị phản ánh hàng chục lần nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh) để kinh doanh vẫn chưa giải quyết dứt điểm

Chưa hiệu quả

Quận Bình Thạnh là một trong những địa phương đầu tiên ứng dụng phần mềm trực tuyến trên điện thoại di động để tiếp nhận phản ánh của người dân. Ra mắt từ tháng 4-2017, đến nay, “Bình Thạnh trực tuyến” đã tiếp nhận và xử lý 14.270 tin báo. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa điểm sau khi giải quyết lại chưa được như mong đợi. Ông Nguyễn Xuân Bình (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, ông theo dõi nhiều phản ánh của cư dân gửi lên ứng dụng và hồi đáp của chính quyền. Ngoài ưu điểm như phản ánh được tiếp nhận tức thì, địa phương xử lý nhanh rồi phúc đáp lại cho người dân, nhưng nhiều phản ánh chưa được xử lý căn cơ. Lấy ví dụ về việc phản ánh lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán trên đường Bùi Hữu Nghĩa (phường 1, 2), ông Bình kể: “Hôm trước phản ánh, hôm sau cán bộ đến xử lý, hôm sau nữa tái diễn. Chúng tôi phản ánh tiếp thì sự việc lại diễn ra theo… đúng quy trình như vậy, vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại như chưa hề có sự can thiệp của địa phương”. 

Chúng tôi đến đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ giao lộ Nguyễn Văn Đậu đến Nguyễn Thượng Hiền, thuộc phường 5 và 6, quận Bình Thạnh), nơi cách đây không lâu nhiều người dân đã phản ánh lên “Bình Thạnh trực tuyến” về việc chợ tự phát hoạt động, ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Phóng viên chụp hình hàng cá, gia cầm bán tại địa chỉ 201 Hoàng Hoa Thám (từng xuất hiện rất nhiều lần trên Bình Thạnh trực tuyến) để phản ánh tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường buôn bán và giết mổ tại chỗ rồi xả nước thải ra đường phố, gây ô nhiễm môi trường. Hôm sau địa phương phúc đáp đã xử lý nhưng liền sau đó, trở lại đường Hoàng Hoa Thám, phóng viên ghi nhận không có sự chuyển biến. 

Trong khi đó, kênh tương tác trên trang tin của UBND quận 1 ra mắt người dân sớm nhất tại TPHCM, khoảng năm 2014. Tuy nhiên, đến nay kênh này lộ rõ sự bất cập đối với xu hướng đô thị thông minh mà quận 1 đang xây dựng. Người dân cho biết, khi họ phát hiện vi phạm, phản ánh lên kênh tương tác thì phải chờ đợi cả tháng mới có kết quả xử lý từ địa phương và cũng có phản ánh “một đi không trở lại”. Tương tự, kênh “Quận 10 Portal” xử lý và phản hồi phản ánh của người dân rất chậm; còn “Quận 3 trực tuyến” qua Zalo, Phú Nhuận trực tuyến mới ra mắt vào giữa tháng 4-2019, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng các phản ánh của người dân không được xử lý một cách triệt để. 

Sẽ giải quyết căn cơ hơn

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, thừa nhận kênh tương tác của quận 1 tương đối lỗi thời so với hiện nay. Với thông tin địa phương chậm giải quyết phản ánh, ông Hoàng Anh khẳng định việc tiếp nhận và xử lý phản ánh là tức thời, nhưng để công khai trên kênh tương tác thì phải qua nhiều khâu kiểm duyệt nội dung. “Quận 1 không công khai ngay thông tin phản ánh vì từng bị một số đối tượng lợi dụng đăng tin với mục đích xấu. Những góp ý của người dân, quận sẽ cập nhật và nâng cấp kênh tương tác; đồng thời rút ngắn thời gian tiếp nhận - xử lý - thông tin lại cho người dân sớm nhất trong vòng 5 ngày làm việc”, ông Hoàng Anh nói. Về việc giải quyết sự việc chưa căn cơ, ông Hoàng Anh cho rằng những nơi phản ánh nhiều lần nhưng vẫn tồn tại, thường là “ca khó”. Cũng có khi việc xử lý của cán bộ đã có chuyển biến nhưng chưa như ý muốn của người dân nên tiếp tục bị phản ánh.

Tiếp nhận thông tin từ Báo SGGP, ông Phan Văn Định, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, nhìn nhận: “Công tác xử lý vi phạm qua phản ánh của người dân có chuyển biến nhưng ở nhiều địa chỉ làm chưa đến nơi đến chốn. Lãnh đạo quận sẽ tăng cường công tác giám sát xử lý vi phạm của cán bộ, quy trách nhiệm cho địa phương cũng như tính thêm phương án xử lý dứt điểm”. Lý giải thêm về điều này, ông Phan Văn Định cho rằng, một phần do anh em chưa làm hết trách nhiệm, một phần do quy định chồng chéo và sự đối phó của người dân. “Dù là nguyên nhân nào thì quận sẽ phải tính toán sao cho các điểm nóng được giải quyết căn cơ hơn. Chúng tôi hy vọng, người dân chưa hài lòng với công tác xử lý, hãy tiếp tục giám sát và phản ánh lên “Bình Thạnh trực tuyến” để hỗ trợ chính quyền làm tốt hơn nữa”, ông Định chia sẻ.

Ông Võ Thành Minh, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, giải thích ứng dụng phần mềm trực tuyến của quận vừa ra mắt chưa bao lâu nên chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả của ứng dụng. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết sẽ nhắc nhở các phường tập trung giải quyết triệt để phản ánh của người dân, những địa chỉ khó giải quyết thì báo về quận để có hướng xử lý dứt điểm.

Tin cùng chuyên mục