Xử lý người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam

Qua vụ bắt giữ nghi phạm người Trung Quốc sát hại cô gái người Trung Quốc tại Đà Nẵng rồi chặt xác bỏ vào va li thả trôi trên sông Hàn ngày 7-2 vừa qua, nhiều bạn đọc thắc mắc: Nghi phạm sẽ bị dẫn độ về Trung Quốc để xử lý hay tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết?
Nghi phạm người Trung Quốc trong vụ giết người chặt xác phi tang trong vali tại Đà Nẵng bị lực lượng công an bắt giữ
Nghi phạm người Trung Quốc trong vụ giết người chặt xác phi tang trong vali tại Đà Nẵng bị lực lượng công an bắt giữ

Dẫn độ được hiểu là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình, để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Theo Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về trường hợp bị dẫn độ, người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ 1 năm đến tù chung thân hoặc tử hình, hoặc đã bị tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất 6 tháng. Không phải mọi trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đều bị dẫn độ.

Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, trường hợp người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xử lý hành vi phạm tội mà không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam. 

Như vậy, đối với vụ án vừa xảy ra tại Đà Nẵng, TAND Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyết giải quyết, cụ thể là TAND TP Đà Nẵng (theo Điều 268 và Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). Hành vi giết người, chặt xác của nghi phạm là hành vi giết người có chủ đích, có động cơ rõ ràng, là hành vi phạm tội có tính chất man rợ. Do đó, căn cứ theo quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, mức hình phạt được áp dụng là từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, tùy thuộc vào mức độ, tính chất man rợ của hành vi.

Ngoài ra, theo thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông, hành vi giết người của nghi phạm xuất phát từ việc mâu thuẫn do phân chia tiền đánh bạc. Do đó, nếu có cơ sở để xác minh được hành vi giết người của nghi phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm trả tiền cho nạn nhân thì đây là hành vi phạm tội có động cơ đê hèn. Theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội vì động cơ đê hèn là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong việc định khung hình phạt. Khi nghi phạm có tình tiết tăng nặng, tòa án sẽ xem xét để quyết định hình phạt ở mức cao hơn.

Tin cùng chuyên mục