Xử lý nghiêm các vi phạm, lợi ích nhóm, không trừ một ai

Ngày 30-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2017. Chiều tối 30-8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về nội dung phiên họp với nhiều thông tin nóng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2017. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2017. Ảnh: VGP
Không được để xảy ra bức xúc thêm về BOT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 có nhiều chuyển biến tích cực. Càng về các tháng cuối năm thì chiều hướng càng tốt hơn so với các tháng đầu năm, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như giải ngân vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tăng trưởng công nghiệp chưa đạt yêu cầu, thấp hơn cùng kỳ. Giải ngân vốn vẫn còn chậm. Vẫn còn 13 bộ ngành, 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp, dưới 30%, bị Thủ tướng nhắc nhở. Chi phí của doanh nghiệp vẫn còn cao. 
Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, “giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”. Thủ tướng nêu thực tế: nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. “Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết giấy phép con, giấy phép cháu. Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại.  
Chính phủ cũng đánh giá sơ bộ cả năm 2017 và dự kiến kế hoạch 2018. Cho đến nay đã hết tháng 8, chúng ta đã đi được 2/3 chặng đường của năm 2017. Trên cơ sở đánh giá tình hình 8 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, ước thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay đều đạt và vượt mục tiêu đề ra (8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7% như đã đề ra và xuất khẩu dự kiến tăng hơn 14%, gấp đôi so với mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở ước thực hiện năm 2017, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2018, Chính phủ đã dự kiến mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ ngành rà soát từng lĩnh vực tăng trưởng. “Các đồng chí quan tâm để đồng tiền, hạt gạo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng nêu rõ. Thủ tướng cũng yêu cầu “không phải trên nóng dưới nguội được nữa, mà trên nóng, dưới nóng, phải đồng bộ quyết tâm để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa. Đừng để tình trạng trì trệ ở phía dưới, hệ thống không chuyển động.
Đặc biệt, với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Bộ GT-VT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9. “Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận, khắc phục sớm tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT quá cao”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT.
Vụ Pharma: Xử lý nghiêm không trừ ai
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù vụ việc đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. Vì vậy, vụ việc cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ mọi góc khuất. Phó Thủ tướng cho biết ông đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ. “Ngày 30-8, tôi đã nhận được báo cáo. Nội dung cơ bản như thông cáo báo chí của Bộ Y tế (phát ra ngày 29-8 mà báo chí đã đăng tải). Tôi đã có ý kiến: cần thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Mặt khác đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm. Tinh thần là phải hết sức nghiêm minh và công khai” - Phó Thủ tướng nêu ý kiến. Ngay sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế, phải rất nghiêm túc, nhất là khi liên quan tới sức khỏe của nhân dân.
Vụ việc này cũng trở thành vấn đề nóng nhất tại cuộc họp báo Chính phủ tối cùng ngày. Các báo chất vấn tại sao lãnh đạo Công ty VN Pharma xác nhận em trai chồng Bộ trưởng Bộ Y tế tham gia công ty này, nhưng Bộ trưởng  Bộ Y tế nói là không, có phải bộ trưởng thiếu trung thực? Vụ việc Pharma lùm xùm từ lâu tại sao chưa có cán bộ nào của Bộ Y tế bị xử lý, thậm chí cán bộ sai phạm còn thăng chức cao hơn?
Trả lời các câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả  mà là thuốc kém chất lượng. Về việc em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế là một trong lãnh đạo của Công ty VN Pharma, ông Nguyễn Viết Tiến khẳng định bộ trưởng không nói chứ không phải Bộ trưởng nói “không có”. “Không nói và nói không có là khác nhau. Theo quy định, làm ở vị trí này (lãnh đạo Công ty Pharma - PV) thì không được là vợ, chồng, con, hoặc bố mẹ còn không nói đến là anh/em chồng. Còn Ban cán sự Đảng Bộ Y tế có việc này không thì tôi xin trả lời là không biết có ai hỏi không, cá nhân tôi chưa bao giờ hỏi bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng không báo cáo việc này tại các cuộc họp”, ông Tiến nói. Theo đại diện Bộ Y tế, chỉ đạo của Chính phủ là cần thiết, cần làm rõ mọi góc khuất về vụ việc này để giải tỏa mọi thắc mắc. Trong vụ việc này, Bộ Y tế, Cục Quản lý dược đã chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Những cán bộ có sai sót đã bị thuyên chuyển công tác. Vấn đề là chưa có viên thuốc H-Capita 500mg Caplet nào được đưa ra thị trường. Bộ Y tế sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan theo đúng thẩm quyền.
Về vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, rất tiếc là trong khi Ban Cán sự Đảng Chính phủ đang xây dựng một đề án nâng cao chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân để báo cáo Bộ Chính trị và sẽ trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 thì lại xảy ra vụ việc này. Báo cáo của Bộ Y tế cũng không nêu rõ những vấn đề quan tâm của Thủ tướng, nên Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Tức là sẽ thanh tra toàn bộ việc này để cho minh bạch, rõ ràng và công bố trước nhân dân. Như vậy, không phải riêng lô thuốc trị bệnh ung thư nhập khẩu giả như báo chí và dư luận quan tâm mà sẽ kiểm tra toàn diện vấn đề này. “Với chủ trương này, quan điểm của Thủ tướng là rất cương quyết kiểm tra sự thật, không loại trừ bất cứ trường hợp nào như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là không có vùng cấm. Đây là vụ việc đã làm mất lòng tin của nhân dân rất lớn”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Lựa chọn nhà đầu tư sân bay Long Thành: sẽ minh bạch
Tại họp báo Chính phủ tối 30-8, trả lời câu hỏi về quan điểm của Chính phủ trước vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt kiện đòi bồi thường 1,25 tỷ USD và một tòa án quốc tế đang phán xét, ông Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh rất bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước. Hiện nay tòa án quốc tế đang xem xét, với việc tranh chấp, vi phạm điều luật. “Một địa phương, một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết vấn đề bảo hộ đầu tư, không thực hiện đúng luật thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ”, ông Mai Tiến Dũng nói. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là rất minh bạch, tạo môi trường, tạo niềm tin.  
Trả lời câu hỏi về việc tại sao chưa công bố kết quả thanh tra tài sản và khu biệt phủ của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý (kế hoạch công bố vào cuối tháng 7), ông Mai Tiến Dũng cho hay Thanh tra Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện, để kết luận, công bố. Tất cả vấn đề liên quan đến khối tài sản của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý, từ  khối tài sản thế nào, sử dụng đất đai thế nào sẽ được công bố sớm.
Trước thông tin Công ty Geleximco vừa kiến nghị Thủ tướng và Bộ GT-VT về hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành trong 3 - 5 năm, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, hiện tại Bộ GT-VT đang triển khai các nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Cảng hàng không sân bay Long Thành. Cho đến thời điểm này, Đồng Nai đã thực hiện xong nghiên cứu khả thi về đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ GT-VT đang tuyển chọn tư vấn để nghiên cứu khả thi của sân bay Long Thành, dự kiến triển khai nghiên cứu đến năm 2018 và giữa năm 2019 sẽ trình Chính phủ.
“Quan điểm là hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư, những người quan tâm đến đầu tư. Hiện đang trong giai đoạn tuyển chọn, tư vấn, chưa hoàn thành xong nghiên cứu khả thi. Đến khi được Quốc hội thông qua thì mới xem xét lựa chọn đầu tư theo hướng công khai, minh bạch. Việc lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở tiêu chí, có đánh giá, có lựa chọn thông qua đấu thầu. Chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư phải kiểm soát tiến độ, giá thành, trên cơ sở hồ sơ đấu thầu”, ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định. 
           Tăng thuế VAT: tác động lên người dân không nhiều?
Tối 30-8, tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã được dành khoảng 20 phút để trình bày những điểm mới trong thay đổi chính sách thuế. 
Đối với việc tăng thuế VAT, có gây gánh nặng cho người nghèo, vì họ sẽ phải chịu thuế nhiều hơn người giàu? Theo bà Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đánh giá tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT không nhiều. Chưa kể, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với những đối tượng này. Về tác động tới lạm phát, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá “là hạn chế”.
Cụ thể, có 25 nhóm hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế thuế VAT; 15 nhóm chịu thuế suất VAT 5%. Với nhóm thu nhập thấp nhất dành 59,5% thu nhập chi mua lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế... Nhưng những mặt hàng thiết yếu y tế, giáo dục không chịu thuế. Lương thực thực phẩm nếu làm ra thì không chịu thuế, chỉ mặt hàng lương thực, thực phẩm ở khâu thương mại bán ra chịu thuế suất thấp 5% và dự kiến tăng lên 6%. “Vì vậy, với dự kiến như vậy thì tác động đối với người dân, người nghèo là không nhiều”, bà Vũ Thị Mai nói.

Tin cùng chuyên mục