Xử lý nghiêm các sai phạm và công khai kết luận thanh tra

Vừa qua, trong công tác cán bộ đã nổi lên một số trường hợp khiến dư luận bức xúc về tính gương mẫu, trong đó có công tác thanh tra. Thanh tra Chính phủ cần làm gì và làm tới đâu để đảm bảo tính nghiêm minh trong cơ quan chống tham nhũng? Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. 
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

- PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết, công tác thanh tra đã góp phần phòng, chống tham nhũng thời gian qua như thế nào? 

>> Ông LÊ MINH KHÁI: Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà công sản…); việc cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT… Kết quả công tác thanh tra đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác xây dựng Đảng.  

Từ năm 2018 đến hết tháng 5-2019, Thanh tra Chính phủ tiến hành 59 cuộc thanh tra; đã ban hành 29 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 17.291 tỷ đồng, 23.918ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 13.340 tỷ đồng, 128ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 17 vụ; kịp thời chuyển các kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có liên quan sai phạm nêu tại kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra, kết luận và công khai kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm tại nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm…

Có được kết quả như vậy là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong công tác thanh tra. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành để tập trung chỉ đạo, điều hành; thường xuyên phân tích đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những giải pháp cho phù hợp, khả thi, sát với yêu cầu của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác của ngành thanh tra. 

- Thưa ông, thời gian qua nhiều vụ việc Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao thanh tra thực hiện trực tiếp (tăng giá điện; Thủ Thiêm; Khu liên hợp Thể thao quốc gia ...). Quan điểm của Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện như thế nào trước chỉ đạo của Thủ tướng?

Trong thời gian qua, ngoài những cuộc thanh tra theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiều cuộc thanh tra đột xuất, trong đó có nhiều cuộc đã ban hành kết luận, được ghi nhận, đánh giá cao (như cuộc thanh tra AVG, Cảng Quy Nhơn, Hãng Phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, TPHCM, làm rõ các dự án liên quan đến Út Trọc, Vũ “nhôm”...). 

Nhìn chung, hầu hết các cuộc thanh tra đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao đều có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm. Quan điểm của Thanh tra Chính phủ là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện thanh tra đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, kiến nghị xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) và công khai kết luận thanh tra theo quy định.

- Qua một số sự việc liên quan tới công tác cán bộ ngành thanh tra, dư luận cũng rất đồng tình, ủng hộ việc Tổng Thanh tra Chính phủ có chỉ đạo siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, công chức thanh tra. Thanh tra Chính phủ sẽ làm gì tiếp theo để không còn chuyện tham nhũng, nhũng nhiễu trong cơ quan chống tham nhũng?

Trong thời gian qua, Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trên các mặt công tác thanh tra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Nguyên nhân chủ yếu là do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số công chức, viên chức thanh tra không nghiêm, còn hạn chế, yếu kém; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thanh tra chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17-5-2019 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức thanh tra, trong đó yêu cầu toàn ngành thanh tra thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Như ông vừa trao đổi, việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật với công chức, viên chức thanh tra là rất cần thiết, đồng thời để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao, có thể thấy rất nặng nề. Xin ông cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên thực hiện nhiệm vụ nào thời gian tới?

Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thanh tra các cấp, các ngành bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Trong đó, ưu tiên thứ nhất là tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2019; triển khai các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng; xây dựng định hướng công tác thanh tra năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Thứ hai, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó, tập trung triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, trong đó triển khai chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Chính phủ…

Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp, kết luận thanh tra kịp thời, chất lượng; đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra xử lý; chú trọng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra nhất là thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục