Xử lý mạnh tay, chấn chỉnh lô cốt

Câu chuyện vấn nạn lô cốt án ngữ lâu trên các tuyến đường, gây khó khăn cho việc lưu thông, tiềm ẩn gây tai nạn giao thông, mất mỹ quan đô thị… trên địa bàn TPHCM hầu như vẫn chưa có hồi kết. Nhiều công trình sau khi rút đi, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ gà”, sau những trận mưa nhiều tuyến đường trên bị ngập và vô tình trở thành “cái bẫy” gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. 
Rào chắn thi công công trình ngầm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8), chụp ngày 29-8. Ảnh: CAO THĂNG
Rào chắn thi công công trình ngầm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8), chụp ngày 29-8. Ảnh: CAO THĂNG

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Hầu như hiện nay quận huyện nào cũng có dự án sửa chữa, nâng cấp đường. Vẫn biết rằng nâng cấp, sửa chữa đường là rất quan trọng để giảm thiểu tai nạn giao thông, tuy nhiên việc các lô cốt án ngữ, chây ỳ quá lâu lại gây ra những khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Kẹt xe mặc kẹt xe, dân khổ mặc dân khổ, hàng trăm lô cốt vẫn cứ sừng sững ở khắp các ngả đường thành phố như một lời thách thức cả cơ quan chức năng. Ghi nhận tại một số tuyến đường cho thấy, khi có lô cốt dựng lên thì việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn khu vực chỉ dành đúng một làn đường vừa đủ một ô tô nhỏ chạy qua.

Khi có ô tô nào chạy qua thì toàn bộ xe máy phải len lỏi, luồn lách chạy lên vỉa hè. Trong thực tế cũng đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra  giữa người đi bộ và xe chạy trên vỉa hè. Với những công trình chỉ vài ba tuần hoàn thiện thì không nói, nhưng hiện nay có rất nhiều lô cốt đã được dựng vài tháng, thậm chí là vài năm mà vẫn không có dấu hiệu xê dịch, mặc cho người dân than trời kêu đất. 

Chị Hòa, một người dân buôn bán cây cảnh, sản phẩm nông nghiệp trên đường Lương Định Của, quận 2, than phiền dự án nâng cấp tuyến đường này đã kéo dài gần 2 năm mà vẫn chưa biết khi nào xong. Từ khi lô cốt mọc lên, việc buôn bán khá ế ẩm. Nhiều khi người đi xe máy cố luồn lách để chạy đã đụng vào cây cảnh của chị, thế là hai bên lại xảy ra cự cãi. Chị rất mệt mỏi khi hàng rào lô cốt án ngữ quá lâu trước mặt bằng nhà chị.

Một thực trạng dễ thấy, đó là phần lớn mặt bằng các tuyến đường được nâng cấp sửa chữa, sau khi hoàn thành đều không đảm bảo yêu cầu, vẫn còn tình trạng chênh lệch độ cao, lồi lõm giữa mặt bằng cũ và đoạn được sửa chữa. Theo quan sát, các chỗ đào mà đơn vị thi công tái lập đều gồ ghề, lồi lõm gây không ít khó khăn cho người lưu thông. Ở một số lô cốt, đơn vị thi công lắp đặt những tấm biển “xin lỗi vì đã làm phiền người đi đường”. Việc biết xin lỗi của đơn vị thi công cũng đã phần nào làm cho người đi đường bớt đi bức xúc, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc xin lỗi các nhà thầu cần phải hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến người dân. Cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí lô cốt đảm bảo an toàn, hợp lý để rút ngắn thời gian rào đường và tạo điều kiện thuận lợi cho người đi đường. 

Kết hợp nhiều giải pháp

TPHCM đang bước vào mùa mưa, những lô cốt án ngữ trên đường lại càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nhiều lúc mưa lớn, nước ngập tràn lên đường nên người đi đường bị sập “ổ gà” là chuyện thường. Các loại tôn, sắt vứt ngổn ngang, bừa bãi, các hố công trình đều là những chiếc bẫy rình rập người đi đường. Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng lô cốt kéo dài cần có một chế tài mạnh tay hơn đối với các chủ đầu tư. Cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm hành chính tại các công trình có rào chắn thi công, áp dụng hình thức xử phạt nặng để răn đe các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đồng thời tư vấn giám sát thường xuyên đơn vị để xảy ra sai phạm và tái phạm. Kiên quyết thu hồi giấy phép thi công và xử phạt theo quy định đối với những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường. 

Theo Thanh tra Sở GTVT TPHCM, 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các dự án thi công trên các tuyến đường. Thanh tra sở cũng phát hiện và lập biên bản, xử phạt hơn 300 vụ vi phạm. Mặc dù đã có nhiều biện pháp chế tài xử phạt, tuy nhiên tình trạng các lô cốt kéo dài vẫn còn tồn đọng, do các chủ đầu tư dự án chậm trễ, chây ỳ trong việc triển khai. Thực trạng tập kết vật tư, phân luồng giao thông, rào chắn… khi thi công các dự án không đúng quy định vẫn thường xuyên và phổ biến.

Để xử lý tình trạng lô cốt kéo dài, ảnh hưởng đến việc lưu thông, thời gian qua, UBND TPHCM cũng đã có nhiều chỉ đạo đến Sở GTVT, UBND quận huyện để triển khai các biện pháp xử lý dự án chậm tiến độ. Cụ thể, UBND TP giao các đơn vị có liên quan chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu đang triển khai thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu đường bộ trên địa bàn thành phố phải chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công để rút ngắn tối đa thời gian chiếm dụng mặt đường. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về tiến độ dự án để người dân và các cơ quan báo, đài có thể giám sát.

Tin cùng chuyên mục