Xu hướng sử dụng thực phẩm sạch

Phát triển nông sản thực phẩm chất lượng cao đang là yêu cầu cấp bách hiện nay, đòi hỏi trách nhiệm chung của các bộ ngành quản lý và người tiêu dùng. Hướng tới văn minh trong tiêu dùng, xã hội ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, minh bạch và an toàn. 
Đảm bảo thực phẩm sạch là ưu tiên hàng đầu của hệ thống siêu thị Saigon Co.op
Đảm bảo thực phẩm sạch là ưu tiên hàng đầu của hệ thống siêu thị Saigon Co.op

Kết nối sản xuất - tiêu dùng

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Đây là cơ hội tốt cho người sản xuất, nuôi trồng và doanh nghiệp chế biến thực phẩm nông sản trong nước. Tuy nhiên, để nông sản của nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ được trong chuỗi giá trị cao thì phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Đồng thời, nhà sản xuất phải gia tăng giá trị sản phẩm bằng việc ứng dụng công nghệ vào khâu sơ chế, chế biến. Tính đến tháng 11-2018, đã có 63 tỉnh, thành triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Hiện các địa phương đã hình thành 1.096 chuỗi với 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán hàng được kiểm soát theo chuỗi. Quy trình sản xuất này có sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty… Tuy nhiên, công tác kết nối các khâu của chuỗi giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được hợp đồng ổn định, lâu dài; chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Mặt khác, các cơ chế chính sách trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể, dẫn đến hạn chế khả năng đầu tư và phát triển của doanh nghiệp.

Liên quan đến việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, ông Huỳnh Thanh Tuấn, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho hay đối với những mặt hàng nông sản như rau củ quả, thịt gia cầm, gia súc… Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất an toàn.

Ngoài ra, Saigon Co.op còn ký hợp đồng bao tiêu nông sản và ứng vốn cho các hợp tác xã này để đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị cũng như con giống và phân bón. Mặt khác, Saigon Co.op cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra không chỉ tại đơn vị sản xuất mà còn lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa đang kinh doanh tại các điểm bán để kiểm định, phân tích chất lượng. Mặc dù vậy, để đảm bảo tiêu chuẩn nông sản bền vững cung ứng thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thì không những cần sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp mà còn cần sự hỗ trợ của nhà nước để làm nền tảng là rất quan trọng và cần thiết. Cải thiện tình trạng hiện nay nông sản chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, cần xây dựng và phát triển các mô hình đầu tư, canh tác quy mô lớn.

Hướng đến mục tiêu sản xuất theo chuỗi

Bà Vũ Thanh Hoa, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng chương trình sản xuất hàng hóa theo chuỗi đã được thực hiện nhiều năm qua và từng bước nâng tầm chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm đã tạo hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Sản phẩm sản xuất theo chuỗi có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, góp phần củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng đối với nông sản Việt.

Để chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn trở thành tập quán trong canh tác, cần xây dựng và phát triển chuỗi liên kết ngang, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để giảm đầu mối trung gian. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại thông qua xây dựng website, logo, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, kỹ năng tiếp cận thị trường. Để sản phẩm được lan tỏa đến người tiêu dùng, nhà nước cần hỗ trợ phát triển các điểm bán sản phẩm an toàn theo chuỗi được chứng nhận để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và ủng hộ.

Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp thông qua việc hình thành hợp tác xã kiểu mới gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ 4.0. Đồng thời, hướng tới sản xuất hàng hóa lớn tập trung, có chất lượng đồng đều, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng. 

Đồng quan điểm trên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết nhằm tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện kết nối hai chiều, góp phần hình thành chuỗi cung ứng, Bộ Công thương đã phối hợp với chính quyền TPHCM và Hà Nội triển khai chương trình kết nối hàng hóa. Theo đó, nhiều loại đặc sản nông - lâm - thủy hải sản của các vùng miền sản xuất theo chuỗi đã đến tay người tiêu dùng khắp cả nước.

Theo bà Việt Nga, vấn đề thực phẩm an toàn là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng hiện nay, mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động kết nối cung cầu, sản xuất thực phẩm sạch nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Hiện công tác đảm bảo an toàn các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, bởi quá trình xây dựng và phát triển chuỗi phải qua rất nhiều khâu. Vì thế, chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đảm bảo việc kiểm soát tiêu chuẩn và chất lượng nông sản đầu vào cũng như đầu ra, cần xây dựng các hợp tác xã nhằm liên kết nông dân với nhau; liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu để cùng nâng tầm chất lượng hàng hóa, đồng thời tìm đường cho hàng Việt vươn xa.

Tin cùng chuyên mục