Xu hướng mua sắm online gia tăng trong mùa dịch

Diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã khiến xu hướng tiêu dùng, mua sắm của người Việt thay đổi đáng kể trong hơn một tháng qua.
Khách đến mua sắm ở siêu thị tuy giảm tần suất nhưng tăng giá trị hóa đơn
Khách đến mua sắm ở siêu thị tuy giảm tần suất nhưng tăng giá trị hóa đơn

 Nếu trước đây việc mua sắm truyền thống là chủ yếu, thì giờ đây nhiều người dân dần chuyển sang mua sắm đa kênh - tức là ngoài sử dụng hoặc mua trực tiếp tại cửa hàng (offline) họ còn mua qua thương mại điện tử (online). 

Lượng mua sắm, ăn uống tại cửa hàng giảm

Vào thời điểm cuối năm 2019, các báo cáo phân tích được đưa ra của những đơn vị nghiên cứu thị trường đều khẳng định ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG; gồm: thực phẩm, đồ uống, chăm sóc sức khỏe…) trong năm nay sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Kéo theo nó là sự phát triển của các kênh bán hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh… cũng được nhìn nhận sẽ tăng mạnh trong năm 2020. 

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 1-2020 tới nay, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lây lan ra nhiều quốc gia đã trở thành một vấn đề khẩn cấp mang tính toàn cầu. Dẫn tới trong ngắn hạn, ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam tăng lên đáng kể. Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng chuyển xu hướng hạn chế bớt các hoạt động hàng ngày có mức độ tương tác nhiều với đám đông. Như vậy, tần suất đi mua sắm của người tiêu dùng sẽ có thể giảm, thay vào đó lượng hàng tăng lên cho mỗi lần mua hàng. 

Trong chia sẻ gần đây, nhà bán lẻ Saigon Co.op với hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… thừa nhận, kể từ khi Covid-19 lan tới Việt Nam, số lượng khách đến siêu thị sụt giảm nhưng giá trị hóa đơn mua sắm của khách hàng lại tăng lên. Khách hàng chủ yếu tập trung mua thực phẩm tươi sống, đồ khô, mì gói, đường, bột ngọt, nước mắm, gạo, chất tẩy rửa (nước rửa tay, nước sát khuẩn). Trong khi đó, theo tiết lộ của một quản lý chuỗi cửa hàng 24/7 ở khu vực trung tâm quận 1 (TPHCM), từ đầu tháng 2 tới nay, doanh số bán ra của các cửa hàng tiện lợi khu vực trung tâm đã giảm hơn nửa, thậm chí có những cửa hàng cả ngày chỉ có vài lượt khách mua sắm. Thay vào đó, khách hàng bắt đầu gọi tới số hotline của hệ thống này để hỏi có bán online hoặc giao hàng tận nhà hay không. 

Thích ứng với “online hóa”

Theo giới kinh doanh, việc tiêu thụ hàng tiêu dùng nói chung, dự kiến vẫn sẽ duy trì tăng trưởng, nhưng thay vì sử dụng, mua sắm đồ ăn uống, thực phẩm tại cửa hàng, giờ đây người tiêu dùng chọn giải pháp online. Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp (DN) đang một mặt vẫn thực hiện khuyến mãi để kích cầu, mặt khác chuyển hướng kinh doanh “online hóa” để duy trì doanh số, giảm thiệt hại do tác động của Covid-19 gây ra. 

Ghi nhận của một số nhà bán lẻ tại TPHCM cho thấy, trong khoảng 3 tuần vừa qua, doanh số kênh bán hàng trực tuyến có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, trong khi kênh bán hàng hiện đại, chợ truyền thống có phần chững lại, thậm chí giảm sút mạnh. Đơn cử như Vua Nệm, số cuộc gọi online, tin nhắn đến trang Vuanem.com vẫn tăng 28,88%. Điều này một phần do tâm lý người dùng chuyển hướng mua sắm, một phần do Vua Nệm tích cực đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi “Đổi nệm cũ” hay “Mua 1 tặng 1” để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm nệm mới phù hợp với điều kiện gia đình. “Chúng tôi không xem các chương trình khuyến mãi chỉ để kích cầu ngắn hạn. Các chương trình của chúng tôi đều được phân bổ theo chiến lược tổng thể, tích hợp online/offline để tạo tiền đề bứt phá sau khi dịch bệnh qua đi”, ông Tuấn Anh, CEO của Vua Nệm, chia sẻ.

Tương tự, Vissan cho biết, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi, nên thay vì chỉ tập trung bán lẻ, DN này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng trên. Hay tại kênh mua sắm HTVCo.op đã kết nối hàng ngàn thương hiệu Việt chất lượng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Saigon Co.op cũng ghi nhận doanh số bán ra tăng trưởng tốt. Hiện kênh mua sắm này ngoài kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa còn luân phiên thực hiện những chương trình ưu đãi, giảm giá, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh. 
Còn với hệ thống siêu thị Co.opmart, trước dịch Covid-19, tỷ lệ bán qua kênh online chỉ dao động khoảng 5%-10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online tăng mạnh mỗi ngày. Với các khách hàng mua sắm online, hệ thống vẫn áp dụng các chương trình giảm giá tương tự như mua trực tiếp tại siêu thị. Đồng thời để kích thích người dân mua sắm online, Co.opmart còn có chính sách vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng. 

Có thể thấy, sự nhanh chóng thích ứng của các DN một mặt giúp họ không bị sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, mặt khác lại giúp người tiêu dùng có những trải nghiệm mua sắm tốt hơn.

Trong khi ngành bán lẻ chạy đua với khuyến mãi và bán hàng online, các cơ sở giáo dục cũng bắt đầu đưa vào sử dụng các phương án học từ xa thông qua: zoom, skype, webinar… để giúp việc học tập của các học sinh không bị gián đoạn. YOLA đã triển khai chương trình YOLA SMART Learning.

Chỉ trong vòng 24 giờ, YOLA đã “chuyển” hơn 3.000 học viên lên nền tảng trực tuyến và vẫn giữ nguyên chất lượng giảng dạy, giáo viên, bạn học cùng lớp, giờ học như lớp học truyền thống. Sau hơn 2 tuần triển khai, đã có gần 6.000 học viên YOLA trải nghiệm và tham gia học tập trên nền tảng này.

Tin cùng chuyên mục