Xứ dầu mỏ tìm hướng phát triển mới

Là một nước sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, nền kinh tế của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 khi giá dầu lao dốc. 
Cư dân nước ngoài chiếm hơn 80% dân số UAE và trong nhiều thập niên đã trở thành trụ cột của nền kinh tế nước này
Cư dân nước ngoài chiếm hơn 80% dân số UAE và trong nhiều thập niên đã trở thành trụ cột của nền kinh tế nước này

Đứng trước thực trạng này, UAE đã trở thành quốc gia Arab đầu tiên cấp quốc tịch cho người nước ngoài nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế. Chính phủ UAE vừa thông qua dự luật sửa đổi cho phép quốc gia vùng Vịnh này cấp quyền công dân cho các nhà đầu tư và các chuyên gia nước ngoài được chọn lọc, bao gồm các nhà khoa học, bác sĩ và gia đình của họ. Trên mạng Twitter, Phó Tổng thống UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum cho biết: “Nội các, các tòa án địa phương và hội đồng điều hành của UAE sẽ đề cử những người đủ điều kiện nhận quốc tịch theo tiêu chí cụ thể đặt ra cho từng trường hợp”.

Theo hãng thông tấn nhà nước WAM, cư dân nước ngoài chiếm hơn 80% dân số UAE và trong nhiều thập niên đã trở thành trụ cột của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, nếu như trước đây, người nước ngoài ở UAE thường có thị thực được gia hạn có giá trị chỉ một vài năm gắn liền với việc làm, thì gần đây, nước này đã có những điều chỉnh để chính sách thị thực linh hoạt hơn, thời gian cư trú lâu hơn đối với một số nhà đầu tư, sinh viên và các chuyên gia. Năm ngoái, UAE đã mở rộng hệ thống thị thực “vàng” với thời hạn cư trú tới 10 năm cho một số chuyên gia, người có bằng cấp chuyên ngành và những người khác. Ngoài ra, UAE đã bãi bỏ yêu cầu các công ty phải có cổ đông trong các công ty của UAE trong một đợt thay đổi lớn luật sở hữu nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào nền kinh tế đang quay cuồng với Covid-19 và sụt giảm giá dầu. Trả lời phỏng vấn của Arabian Business, ông Scott Livermore, nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn tư vấn Oxford Economics, nhận định, “luật quốc tịch mới” có thể tác động tích cực đến bất động sản, tài chính và một loạt lĩnh vực mục tiêu cần thu hút, giúp giữ chân nguồn đầu tư nước ngoài và nhân tài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Không chỉ có UAE, các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ đã buộc phải cân nhắc thời gian cư trú dài hơn và quyền công dân giới hạn đối với người nước ngoài khi các nước tìm cách thu hút đầu tư và đa dạng hóa từ dầu mỏ. Thực tế, chủ trương đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ đã có từ lâu, nhưng chính đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh hơn quá trình chuyển đổi nền kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục hậu đại dịch. Tuần trước, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman của Saudi Arabia cho biết, quỹ đầu tư công (PIF) của nước này sẽ đầu tư ít nhất 150 tỷ riyal (tương đương 40 tỷ USD) mỗi năm vào nền kinh tế quốc nội trong 5 năm tới. PIF tập trung đầu tư vào các dự án lớn toàn cầu, từ ứng dụng đặt xe Uber cho đến nhà sản xuất ô tô Lucid Motors của Mỹ. Trong đại nạn dịch Covid-19, các nước vùng Vịnh cũng mang theo một mục tiêu mới, đó là trở thành một trung tâm sản xuất, chế tạo mới của thế giới.

Tin cùng chuyên mục