Xử án trực tuyến, được không?

Các cơ quan tố tụng TP Thủ Đức (TPHCM) vừa đề xuất ý tưởng xét xử trực tuyến. 

Theo đó, trước mắt mô hình này sẽ được bố trí phòng tại nhà tạm giữ có gắn các thiết bị ghi âm, ghi hình và mạng truyền dữ liệu liên kết với phòng xử tại tòa. Đầu cầu tại nhà tạm giữ có bố trí bục khai báo. Đầu cầu tại tòa án, người tiến hành tố tụng như Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát mặc trang phục của ngành và ngồi theo đúng vị trí. Luật sư và những người tham gia tố tụng khác sẽ có mặt ở phòng xử của tòa.

Theo lãnh đạo các cơ quan này, nếu chủ trương được chấp thuận sẽ góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ.

Đề xuất này khi có đề án cụ thể sẽ được báo cáo để TAND Tối cao quyết định. Tuy nhiên, từ đề xuất ban đầu này đã có rất nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, những người công tác trong ngành tố tụng.

Thực ra, mô hình xét xử trực tuyến đã áp dụng ở nhiều nước vài năm qua. Ở nước ta cũng có chủ trương xây dựng tòa án điện tử. Một số khâu trong xử lý án hành chính như đối thoại; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ… cũng đang thí điểm cách làm trực tuyến. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên các diễn đàn nghiệp vụ ngành tòa án đã đặt ra vấn đề xét xử trực tuyến với một số loại án. Hồi tháng 5 vừa qua, TAND Tối cao đã chỉ đạo các tòa án tại những nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15 bố trí phòng xét xử trực tuyến nếu có đủ điều kiện.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số băn khoăn được nêu ra, do hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định hình thức xét xử này. Bên cạnh đó, luật lại quy định việc xét xử cần đảm bảo nguyên tắc xét xử trực tiếp và bằng lời nói…

Dịch Covid-19 có tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó hoạt động tố tụng cũng bị ảnh hưởng. Những sáng kiến là cần thiết, có thể từ đó sẽ tạo ra tiền đề cho những cách làm mới hiệu quả trong và sau dịch bệnh.

Điều đáng mừng là đề xuất này nhận được nhiều ý kiến “bàn vô” chứ không “bàn ra”. Các chuyên gia, người công tác trong ngành tố tụng đã nêu rõ các vướng mắc và cách tháo gỡ. Vậy chúng ta rất nên nỗ lực để hoàn thiện cơ sở pháp lý và thí điểm mô hình này, trước hết là ở những vụ án đơn giản để rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi.

Tin cùng chuyên mục