Xót xa khi lũ “nuốt” người và của

Nhìn thấy bầy lợn bơi, kêu la thảm thiết và đuối dần trong dòng nước lũ nhưng chúng tôi không thể làm gì, bất lực, chua xót lắm!

Chỉ trong 3 ngày mưa lũ (9,10 và 11-10), nhiều địa phương ở Thanh Hóa, từ đồng bằng đến miền núi phải gánh nhiều mất mát, đau thương.

Thống kê thiệt hại ban đầu tính đến ngày 14-10, mưa lũ tại Thanh Hóa đã làm 15 người chết, 5 người bị thương, 5 người vẫn còn mất tích; 26.754 ngôi nhà bị ngập, 49 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; gần 10.000ha lúa, ngô, mía… bị gãy đỗ, thiệt hại; 11.338ha hoa màu, 410ha cây lâu năm bị thiệt hại; mưa lũ gây ngập lụt 747 trang trại, 5.180 con gia súc, 175.000 con gia cầm bị chết, bị lũ cuốn trôi; làm sạt lở 25 đập, tràn thủy lợi, vỡ 24 đập thủy lợi nhỏ, hư hỏng 19 trạm bơm, sạt lở trên 10.000m kênh mương; nhiều tuyến quốc lộ như 217B, 15, 15C, 16, 217, 47… bị sạt lở, hư hỏng, gây ách tắc cục bộ.

Xót xa khi lũ “nuốt” người và của ảnh 1 Những người đàn ông ở xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) chơi vơi giữa dòng nước lũ

Chồng con chết không có nơi thờ

Huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) là một trong những huyện đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ cơn lũ. Theo báo cáo nhanh của huyện đến ngày 13 -10 đã có 6 người chết, hàng chục người mất tích và bị thương; gần 3.000 ngôi nhà bị ngập, bị sập, hư hỏng; hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết, bị nước lũ cuốn trôi; toàn bộ cây trồng vụ đông, mía bị ngập, gãy đổ...

Đáng thương nhất là gia đình chị Vi Thị Hiền (25 tuổi), ở thôn Chiềng, xã Yên Nhân. Nửa đêm ngày 11-10, khi gia đình đang ngủ trong nhà thì bất ngờ bị đất đá sạt lở vùi lấp, chồng chị là anh Vi Văn Ch. (28 tuổi) và con gái Vi Thị Linh Đ. mới 2 tuổi đã thiệt mạng trong tức tưởi. Sự ra đi của anh Ch. để lại cho mẹ già và vợ trẻ nỗi đau đớn vô cùng.

Trong nỗi đau mất chồng con, chị Hiền cho biết: “Chồng chết, con chết, nhà cửa, tài sản bị đất đá vùi lấp không còn lại gì! Giờ đây, đến nơi thờ chồng con, chúng tôi cũng không có. Sau này mẹ con tôi biết sống ra sao".

Bố chồng chị Hiền mới mất cách đây chưa lâu vì bệnh hiểm nghèo, chị Hiền còn nuôi mẹ chồng già yếu, nhà cửa không còn, giờ 2 mẹ con phải ở nhờ gia đình người bác.

Xót xa khi lũ “nuốt” người và của ảnh 2 Đồng đội đang tìm kiếm 2 chiến sĩ biên phòng bị lũ cuốn trôi
Để ứng cứu nhân dân khi lũ về, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Bộ Đội biên phòng, Cảnh sát PCCC-CNCH Thanh Hóa đã điều động cả chục nghìn lượt cán bộ chiến sĩ xuống các địa phương để hỗ trợ công tác sơ tán, cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng của thiên tai, xử lý các sự cố đê điều và tìm kiếm cứu nạn.
Trong lúc thực hiện nhiệm vụ nhiều đồng chí đã dầm mình dưới dòng nước lũ để sơ tán dân, để cứu đê khỏi bị vỡ… Nhiều đồng chí đã bị thương, thậm chí đã hy sinh trong khi đi kiểm tra, giúp bà con vùng lũ như Thượng tá Cao Đăng Cường (SN 1972), Chính trị viên và Đại úy Nguyễn Thành Chủng (SN 1975), Đội trưởng đội Tổng hợp Đồn Biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh.

Đồng đội, gia đình đã tìm kiếm các anh nhiều ngay nay, nhưng các anh vẫn còn nằm đâu đó dưới dòng nước lạnh. Những vật dụng của các đồng chí vừa được tìm thấy bị vùi trong bùn đất như xát muối vào lòng những người thân yêu đang hàng ngày, hàng giờ mong ngóng các anh… thật đớn đau vô cùng!

Bất lực nhìn tài sản ngập sâu trong nước

Nhìn hình ảnh những phận người chơi vơi trong sóng nước, những con lợn, con gà vô vọng tìm nơi bấu víu khi nước dâng; những ngôi nhà chìm sâu trong nước chỉ còn trơ nóc; hình ảnh tan hoang, điêu tàn của những bản làng sau cơn lũ dữ… sao mà xót xa!

Trong cơn lũ dữ, có đến 19/27 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Thanh Hóa bị nước lũ tàn phá, chìm sâu trong biển nước mênh mông. Có những địa phương, nhiều thôn, xã chìm sâu trong nước đến tận hôm nay 14-10 vẫn chưa rút, người dân phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, có nhà mà không được về.

Xót xa khi lũ “nuốt” người và của ảnh 3  Những con lợn trong trang trại có 5.000 con cố tìm nơi bấu víu khi nước lũ dâng cao. Ảnh:  Mạng xã hội Facebook
Trong ngày 11-10, do nước sông Ghép dâng cao, tràn vào gây ngập khu vực trang trại nuôi heo ở xã Yên Giang, huyện Yên Định, làm hơn 5.000 con lợn bị chết đuối, nổi trắng trang trại, thiệt hại gần chục tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Hùng chủ trang trại chua xót: "Đêm ngày 12 là một đêm dài khủng khiếp với gia đình tôi, mất hết rồi không còn gì nữa, bao nhiêu vốn liếng của gia đình đã bị cơn lũ dữ cướp đi. Nhìn thấy bầy lợn bơi, kêu la thảm thiết và đuối dần trong dòng nước lũ nhưng chúng tôi không thể làm gì, chua xót, bất lực!".

Ngoài hơn 5.000 con lợn bị chết đuối, hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Yên Định cũng chìm trong biển nước; hơn 1.000ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng do nước tràn bờ; gần 100/875 trang trại, gia trại tổng hợp trên địa bàn bị ngập sâu; toàn bộ 5.500ha diện tích cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện bị hư hỏng, nhất là các diện tích ngô, ớt và đậu tương.

Xót xa khi lũ “nuốt” người và của ảnh 4
Xót xa khi lũ “nuốt” người và của ảnh 5 Những ngôi nhà ở xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân tan hoang sau lũ
Huyện Thạch Thành là rốn lũ của Thanh Hóa. Người dân các xã Thạch Định, Thành Thọ, Thạch Bình, thị trấn Kim Tân và một số xã khác phải thức trắng đêm canh lũ khi nước sông Bưởi liên tục dâng cao và đe dọa vỡ đê. Suốt 2 đêm 11 và 12-10, mỗi centimet nước sông Bưởi dâng lên là hàng vạn người dân trong huyện từ già đến trẻ lại nơm nớp lo sợ.

Ông Vũ Đức Sức (60 tuổi), ở thôn Định Cát, xã Thạch Định, vừa thoát chết trong cơn lũ vẫn còn chưa hết bàng hoàng cho biết: “Vì nước lũ dâng nhanh, sáng 12-10, tôi và con trai dùng chiếc thuyền đóng bằng tôn mỏng chèo ra ngoài tìm người giúp đỡ. Nhưng chèo được nửa đường thì nước chảy xiết nhấn chìm thuyền khiến hai bố con trôi theo dòng nước. May mắn đang trôi thì bám được vào đường dây điện và được Ban Chỉ huy quân sự huyện trên đường đi cứu dân đến cứu nên mới thoát chết. Nước dâng ngập nhà, tôi và vợ, cùng con trai phải vội leo lên mái nhà, chỉ kịp vơ vài gói mì tôm. Giờ thì mất hết rồi, vài tấn lúa vừa gặt chưa đầy tháng, mấy con bò và đàn lợn cho thằng con trai lấy tiền làm ăn đều trôi theo nước lũ”…

Xót xa khi lũ “nuốt” người và của ảnh 6
Xót xa khi lũ “nuốt” người và của ảnh 7 Lực lượng Công an huyện Thường Xuân hỗ trợ nhân dân và giúp dân dọn vệ sinh nhà cửa
Hiện tại, lũ đang rút dần, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang cấp tốc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ngày 12, 13 và 14-10, nước lũ rút dần tại các vùng lũ ở Thọ Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Nông Cống, TP Thanh Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn...

Với phương châm “lũ rút đến đâu, dọn dẹp vệ sinh đến đó”, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tích cực cùng với nhân dân sửa sang lại nhà cửa, vườn tược, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đồng thời, khẩn trương hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, với quyết tâm không để người dân bị đói, khát, không có cái ăn trong mưa lũ.

Tin cùng chuyên mục