Xoay xở để có hàng hóa giá tốt cho người dân

Trong vòng xoáy tăng giá trên thị trường hiện nay, các nhà bán lẻ vẫn đang nỗ lực tìm cách xoay xở để có hàng hóa giá tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng (NTD).
Giá hàng hóa được giữ ổn định tại các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op
Giá hàng hóa được giữ ổn định tại các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op

Người tiêu dùng “méo mặt” vì giá hàng hóa tăng

Câu chuyện giá hàng hóa tăng từ 10-50% so với năm ngoái đã không còn là điều quá bất ngờ với các bà nội trợ. Bởi lẽ từ đầu năm 2022 đến nay giá các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… đều chịu sự tác động của xăng dầu, nguyên liệu đầu vào nên doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, đây lại là nhu yếu phẩm không thể thiếu đối với bữa cơm hàng ngày nên trước việc tăng giá, NTD chỉ còn giải pháp tiết kiệm.

Chị Hồ Ngọc Liên (quận Tân Bình, TPHCM) kể, từ khi giá xăng liên tục tăng và đến thời điểm chạm ngưỡng 32.000 đồng/lít thì chi phí sinh hoạt của gia đình chị đã tăng gần gấp đôi so với trước. “Cuối năm ngoái, tôi đổ đầy 1 bình xăng chỉ tầm 80.000 đồng thì nay lên tới 150.000 đồng. Lo lắng hơn là khi giá xăng leo thang, mọi giá thành khác như rau củ, dầu ăn hay thực phẩm cũng lũ lượt tăng theo. Trong khi đó, mức lương gần như không đổi vì công ty tôi đang ở giai đoạn vực dậy sau dịch, cần sự chia sẻ của nhân viên”, chị Liên chia sẻ.

Cũng như chị Liên, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) phải chật vật khi giá hàng hóa trên thị trường biến động tăng theo giá xăng. Theo chị Hạnh, lương không đổi chỉ 10 triệu đồng/tháng nhưng mọi chi phí lại tăng 30% buộc chị khi đi chợ mua hàng sẽ giảm bớt, dùng tới đâu mua tới đó. Thực tế các bà nội trợ đều hiểu rằng việc tăng giá các mặt hàng hiện nay là theo xu hướng chung của thị trường. Do vậy, việc gói ghém chi tiêu đã được tính đến. “Tôi chỉ mua những thứ thật cần thiết, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ cho nhu cầu tiêu dùng của gia đình, nhất là thực phẩm”, chị Thái Thùy Linh (ngụ TP Thủ Đức) cho biết.

Thống kê lượng khách mua sắm tại 3 chợ đầu mối trên địa bàn là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền của Sở Công thương TPHCM cũng cho thấy, doanh thu 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 214.000 tỷ đồng (thấp hơn gần 50 tỷ đồng so với thời điểm trước dịch, năm 2019). Không chỉ chợ truyền thống, ngay cả các siêu thị hiện đại lượng khách mua sắm cũng chưa thể trở lại như trước dịch. Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, giám đốc một siêu thị lớn ở TPHCM cho hay, hiện NTD có xu hướng chuyển dịch chi tiêu từ sản phẩm có giá cao cấp sang dòng sản phẩm khác tương đương nhưng giá tốt hơn. Đây là khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong thời điểm này bởi họ vừa phải đảm bảo doanh thu lợi nhuận nhưng vẫn phải cân đối giữ giá hợp lý để thu hút NTD.

Xoay xở để giữ giá

Trong vòng xoáy tăng giá trên thị trường, các doanh nghiệp hàng bình ổn và nhà bán lẻ tại TPHCM cho biết vẫn đang nỗ lực tìm cách xoay xở để có hàng hóa giá tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho NTD.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, hiện tại, trừ nhóm mặt hàng trứng gia cầm trong diện bình ổn đã điều chỉnh tăng giá 2 lần (tăng hơn 15% so với đầu năm 2022), thì các nhóm hàng khác gồm gạo, đường, thịt heo… vẫn chưa có động thái tăng giá. Thậm chí trong chia sẻ gần đây với báo chí, đại diện của Công ty Vissan - một doanh nghiệp cung cấp thịt heo khẳng định sẽ chưa tăng giá sản phẩm và đang xoay xở để giữ giá, chia sẻ với khách hàng.

Về phía nhà phân phối, đại diện Saigon Co.op khẳng định, chủ trương của Saigon Co.op là cố gắng giữ ổn định giá cả thị trường bằng các giải pháp như chia sẻ chiết khấu trực tiếp trên hàng hóa, khuyến mãi. Đến nay, dù giá hàng hóa tăng nhiều ở nhóm hàng gia vị như đường, nước mắm, dầu ăn nhưng siêu thị vẫn áp dụng mức giá cũ. Cùng đó, do dự trữ một lượng lớn hàng thiết yếu nên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… vẫn đảm bảo đủ cung ứng ra thị trường với giá bình ổn. Saigon Co.op luôn xem xét các đề nghị tăng giá của nhà cung cấp, nhằm tránh việc điều chỉnh tăng giá không hợp lý, làm việc với nhà cung cấp để tìm giải pháp điều chỉnh giá hợp lý nhất.

Đặc biệt, theo đại diện của Saigon Co.op, ngoài giữ giá ổn định, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op còn liên tục thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu với NTD. Từ đầu năm đến nay, các siêu thị của Saigon Co.op đã tổ chức hàng chục đợt khuyến mãi từng nhóm hàng với mức giảm tới 50%. Hiện hệ thống Co.opmart, Co.opXtra đang thực hiện khuyến mãi sâu từ 10% đến mức cao nhất là mua một sản phẩm được tặng miễn phí một sản phẩm cùng loại (giảm giá 100% sản phẩm thứ 2 cùng loại) nhằm hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung “Mùa mua sắm - Shopping Season 2022” từ ngày 15-6 đến 15-7 do Sở Công thương TPHCM triển khai.

Thông qua hoạt động giữ giá, khuyến mãi mạnh tay, các doanh nghiệp mong muốn đồng hành, chia sẻ với NTD trong thời điểm giá cả tăng mạnh như hiện nay.

Saigon Co.op đang giảm giá mạnh cho sản phẩm đồ dùng và may mặc như bếp điện hồng ngoại, nồi chiên không dầu, bình giữ nhiệt, hộp thực phẩm ngăn đông, bình nước nhựa, bàn ủi hơi nước… mức giảm từ 51-100% cho sản phẩm thứ hai cùng loại. Song song đó, mặt hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt gia súc và gia cầm các loại có mức giảm 15-20% cùng với sản phẩm tặng kèm như thịt vai, thịt đùi, sườn non và ba rọi heo… của các nhà cung cấp uy tín như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy...

Tin cùng chuyên mục