Xóa ô nhiễm trắng, không thể đơn độc

Ô nhiễm trắng đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái sông ngòi và đại đương. Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó.

Tuy nhiên, nước ta cũng đang được xếp vào tốp các nước có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất nhiều. Do vậy, để có thể giảm lượng phát sinh rác thải nhựa ra môi trường, ngoài các giải pháp về quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng thì rất cần tính đến sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp trong việc sử dụng cũng như xử lý tuần hoàn rác thải nhựa. 

Tại một nhà máy tái chế nhựa đã qua sử dụng ở quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG


Phân loại rác để tăng tỷ lệ tái chế nhựa thải

Theo đánh giá của Bộ TN-MT, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông hiện nay rất nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa và túi ni lông chiếm khoảng 8%-12% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Điều đáng lo ngại, số lượng rác thải nhựa, túi ni lông đang tăng nhanh trong những năm gần đây, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng thu gom và xử lý loại rác thải này. 

Thực tế cho thấy, hiện đang có rất ít cơ sở thu gom và xử lý rác thải nhựa phát sinh trong nước mà chủ yếu là nhập khẩu nhựa phế liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp đưa ra là do nhựa thải trong nước không được phân loại trong quá trình thu gom; phần lớn đều trộn chung với rác thải sinh hoạt, có độ ẩm và bẩn rất cao nên rất khó cho hoạt động tái chế (hoặc tái chế được thì chi phí cao do phải thực hiện phân loại thủ công và làm sạch). Đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2019, ngay khi Bộ TN-MT thực hiện quy định siết chặt nhập khẩu phế liệu, nhiều doanh nghiệp mới tìm đến nguồn nhựa thải trong nước. Thế nhưng, lượng nhựa thải cũng chỉ chiếm 5% trong tổng lượng nguyên liệu nhựa phế liệu mà các doanh nghiệp cần. 

Theo nhiều chuyên gia môi trường, việc gia tăng sử dụng nhựa phế liệu còn góp phần giảm thiểu nguy cơ “ô nhiễm trắng”, nhất là ở khu vực ao hồ, kênh rạch, sông, biển… Tuy nhiên để làm được việc này, cần thiết phải triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, ngay từ năm 2013, công ty đã chủ động phối hợp với các quận huyện triển khai mô hình khu phố xanh. Các hộ dân được hỗ trợ và duy trì thói quen thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom. Tuy nhiên phải thấy rằng, để có thể duy trì mô hình này qua 7 năm, trước hết đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì thuyết phục người dân từ đơn vị thu gom và sự tham gia tích cực trong công tác vận động tuyên truyền từ phía chính quyền địa phương. 

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp sản xuất tham gia giảm thiểu rác thải nhựa bằng việc nghiên cứu tìm các giải pháp quản lý, xử lý rác thải nhựa phát sinh trong quá trình sản xuất. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, khẳng định, nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam. Tại Unilever, năm 2019, Unilever toàn cầu đã cam kết sẽ cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh. Đồng thời tăng cường thành phần nhựa tái chế trong sản xuất bao bì. Đến năm 2025, Unilever cam kết 100% sản phẩm nhựa của công ty đưa ra trên thị trường là nhựa tái chế, tái sử dụng và thân thiện môi trường. Rộng hơn, công ty sẽ hỗ trợ công tác thu hồi và xử lý bao bì nhựa nhiều hơn số lượng công ty đưa ra thị trường đến năm 2025.  

Cần nhập cuộc đồng bộ

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. 

Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai tại nhiều địa phương. Thực tế đã ghi nhận, các cuộc họp của Chính phủ và các cơ quan chức năng, địa phương, trụ sở công… đã áp dụng nhiều giải pháp giảm thiểu sử dụng nhựa. 

Gần đây nhất, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai giải pháp giảm thiểu sử dụng nhựa trên địa bàn thành phố. Đến ngày 31-12-2020, 100% các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… phải chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó hoặc không phân hủy. Còn với tiểu thương tại các chợ dân sinh, phải giảm sử dụng 50% lượng túi ni lông khó phân hủy. Trước đó, UBND TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành nói chung đã cắt giảm khoản chi ngân sách cho việc sử dụng sản phẩm nhựa trong mua sắm công. 

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Cùng với đó, phải xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Những phong trào “chống rác thải nhựa” phải được tổ chức linh động để thu hút sự tham gia trực tiếp và đông đảo từ cộng đồng. Về phía người dân, cần thiết từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần. Thay vào đó, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Có được sự đồng bộ từ cấp quản lý đến doanh nghiệp và người dân, tỷ lệ rác thải nhựa sẽ giảm mạnh trong tương lai gần.

Tin cùng chuyên mục