Xoá bỏ bãi giữ xe, Đường sách TPHCM chật vật

Sau khi chấp hành chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải, 2 bãi giữ xe nằm ở 2 đầu Đường sách TPHCM đã phải dừng hoạt động. Đi kèm theo đó là sự xáo trộn hoạt động của toàn bộ Đường sách.

Cấm bãi xe, khó bạn đọc

Ngay chiều tối ngày 12-8, số lượng bạn đọc đến với đường sách đã giảm hẳn. Theo nhận xét của các nhân viên các gian hàng sách tại đây, lượng khách đến chỉ chưa bằng 1/2 như mọi khi.

Sang ngày 13-8, Công ty Đường sách, đơn vị phụ trách quản lý Đường sách TPHCM đã bố trí bảng hướng dẫn và cử nhân viên hỗ trợ khách đến các bãi giữ xe xung quanh nhưng lượng khách vẫn giảm mạnh so với mọi khi.

Xoá bỏ bãi giữ xe, Đường sách TPHCM chật vật ảnh 1 Bãi xe đường sách trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng ngừng hoạt động

Chị Thủy, nhân viên bán sách cho biết đường sách vào 2 ngày qua vắng hẳn, hầu hết chỉ còn khách du lịch vốn đến bằng xe khách phía Bưu điện TP, khách vãng lai vắng bóng rất nhiều.

Anh Huỳnh, nhân viên bảo vệ cho biết một trong các bãi xe phụ được đường sách hướng dẫn nằm trong Trường Tiểu học Hòa Bình nhưng thứ hai vừa qua cũng là ngày học sinh nhập học, trường cũng quá tải nên khách không gửi xe được. Bãi xe kề bên Trung tâm thương mại Diamond thì phí thu xe máy quá cao (10 ngàn đồng/lượt) nên nhiều bạn đọc cũng phản ứng.

Theo ông Lê Hoàng, đại diện Công ty đường sách, đặc thù khách đến đây là thanh niên, thiếu nhi và người lão thành. Cũng có các bãi giữ xe xung quanh nhưng nằm khá xa như bãi giữ xe NVH Thanh niên, khu giữ xe bên kia đường Lê Duẩn... đều bị cắt ngang bởi các trục đường lớn, rất đông xe cộ nên bạn đọc trở nên ngại ngần hơn khi đến đường sách.

Xoá bỏ bãi giữ xe, Đường sách TPHCM chật vật ảnh 2 Bạn đọc đến đường sách rồi quay đi khi không còn bãi xe

Chiều ngày 14-8, ông Đoàn Ngọc Hải đã có cuộc trao đổi với đại diện Công ty Đường sách TPHCM. Ông Hải cho biết việc dừng hoạt động 2 bãi xe là có căn cứ cụ thể. Bãi xe phía đường Hai Bà Trưng được cấp phép nhưng ngày 30-6 vừa qua đã hết hạn và chưa được cấp mới, còn bãi xe phía quảng trường Công xã Paris hoạt động không giấy phép. Ngoài ra, 2 bãi xe trên hoạt động nhằm phục vụ người dân đến UBND Quận 1 lẽ ra không thu phí nhưng trên thực tế vẫn thu phí 5.000đ/xe/lượt.

Ông Lê Hoàng cho biết, 2 bãi xe này vốn trước đây nằm trên đường Nguyễn Văn Bình, năm 2015 khi triển khai hoạt động đường sách, UBND TP đã thông qua kế hoạch số 6156/KH- UBTP về "Kế hoạch thực hiện Đường sách TPHCM trên đường Nguyễn Văn Bình" do ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký, ban hành ngày 10-10-2015.

Theo đó, tại điểm V,  phân công thực hiện: "UBND Quận 1 có trách nhiệm di chuyển bãi giữ xe trên đường Nguyễn Văn Bình (vỉa hè phía sau UBND quận 1) đến địa điểm mới, bảo đảm thuận lợi cho người dân đến trụ sở UBND Quận 1 liên hệ giải quyết công việc và nhân dân, du khách đến Đường sách". Việc bố trí, cấp phép và duy trì 2 bãi xe trên vì thế nằm ngoài sự quản lý của đường sách.

Còn về việc thu phí thì theo thông tin từ các bãi xe, họ tuân thủ đúng nguyên tắc khách đến UBND Quận 1, được bảo vệ của UBND quận đóng một con dấu vào vé xe thì bãi xe sẽ không thu phí. Bãi xe chỉ thu phí khách vào đường sách, du khách.

Chưa có hướng giải quyết

Ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, bãi xe phía Công xã Paris sẽ bị dẹp bỏ để trả lại không gian nơi đây, còn bãi xe phía đường Hai Bà Trưng có thể cho mở lại nhưng sẽ do Công ty Đường sách đảm nhận và phải không được thu phí.

Xoá bỏ bãi giữ xe, Đường sách TPHCM chật vật ảnh 3 Bãi xe phía quảng trường Công xã Paris chỉ còn bảng thông báo.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng cho biết sẽ rất khó để thực hiện. Bản chất Công ty Đường sách là do Sở Thông tin Truyền thông TPHCM và Hội Xuất bản phối hợp. Cả hai đơn vị này đều không sở trường tổ chức hoạt động giữ xe vốn mang tính đặc thù như bảo quản, chống kẻ gian… Việc không thu phí giữ xe sẽ đòi hỏi gia tăng gánh nặng lên các đơn vị tham gia đường sách trong khi vốn dĩ hoạt động của các đơn vị xuất bản tại đây chủ yếu nhằm phát triển văn hóa đọc, không đặt nặng mục tiêu kinh doanh.

Trên thực tế, các đơn vị hầu như không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không nhiều và đều đầu tư ngược lại để tổ chức các sự kiện văn hóa. Cuối cùng, theo quyết định của UBND TP trước đó về hoạt động của đường sách, Công ty đường sách chỉ có thể quản lý các hoạt động trong phạm vi đường sách. Việc tiếp nhận hoạt động bên ngoài như trên là vi phạm quyết định của TPHCM nên Công ty Đường sách sẽ không thể thực hiện.

Ông Hoàng cũng nêu ra hai đề xuất. Đầu tiên, về việc tổ chức giữ xe, UBND Quận 1 có thể đề nghị lực lượng TNXP TPHCM hỗ trợ, bởi đơn vị này có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức giữ xe, đảm bảo an toàn, chuyên nghiệp. Đề xuất thứ hai liên quan đến bãi xe phía quảng trường Công xã Paris. Do vỉa hè ở đây rộng, bãi xe chỉ chiếm một góc nhỏ được phân cách bởi hàng cây xanh, ít ảnh hưởng đến hoạt động giao thông của người đi bộ nên đề nghị cho lập lại bãi xe tại đây.

Phó chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã ghi nhận hai đề xuất trên nhưng vẫn bảo lưu quyết định của mình.

Về phía đường sách, sáng 15-8, Công ty Đường sách sẽ họp để nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vấn đề giữ xe hiện nay.

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:

Điều 36: Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố

Điều 1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

Điều 2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó việc sử dụng hề phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông sẽ do UBND cấp tỉnh quy định riêng và không được ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Vấn đề này được quy định cụ thể hơn tại điểm 14, mục 4, phần 2 của thông tư 04/2008/TT-BXD như sau :

14. Sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa

Chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m;

b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố;

c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.

Tin cùng chuyên mục