Xin ý kiến Quốc hội về đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương ​

Tuy đã đạt được sự thống nhất về các vấn đề cơ bản trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) song đến nay vẫn còn hai vấn đề còn ý kiến tương đối khác nhau, được Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, để đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân, việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu về cư trú phải đáp ứng các yêu cầu rất chặt chẽ
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, để đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân, việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu về cư trú phải đáp ứng các yêu cầu rất chặt chẽ

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cư trú được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tại phiên họp của Quốc hội sáng nay 23-5, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa 2 nhóm chính sách.

Đó là chính sách bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cụ thể, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin và bãi bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu….

Người đứng đầu ngành Công an cũng cho biết, để đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân, việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu về cư trú phải đáp ứng các yêu cầu rất chặt chẽ. Mọi sự truy nhập đến Cơ sở dữ liệu về cư trú để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú. Việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Tuy đã đạt được sự thống nhất về các vấn đề cơ bản, song đến nay vẫn còn hai vấn đề còn ý kiến tương đối khác nhau, được Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.

Một là, về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương.

“Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Tuy nhiên, còn có ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc quy định riêng điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội (Thủ đô) so với các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương khác để thống nhất với quy định của Luật Thủ đô.

Hai là bổ sung 4 trường hợp xóa đăng ký thường trú, bên cạnh 5 trường hợp đã được quy định để phù hợp với thực tiễn và tăng cường công tác quản lý cư trú, hạn chế tình trạng công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú.

Trong 4 trường hợp này còn trường hợp có ý kiến khác nhau là: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú”.

Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật cư trú (sửa đổi) vào những phiên họp sau, sau khi nghiên cứu toàn diện dự Luật.

Tin cùng chuyên mục