Xét xử VN Pharma: Tài liệu của Bộ Y tế cung cấp “không đảm bảo tính pháp lý”

Chiều 27-9, phần tranh luận tại phiên tòa xét xử Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại VN Pharma diễn ra sôi nổi với phần tranh luận của đại diện VKSND TPHCM và các luật sư.


Đại diện VKSND TPHCM tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: MAI HOA
4 ngày thu thập được tất cả tài liệu

Mở đầu phần tranh luận trở lại, kiểm sát viên “nhắc nhở các luật sư lưu ý điều chỉnh các phát ngôn mang tính chủ quan, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín chung của các luật sư. Cũng đề nghị HĐXX khi điều hành phiên tòa không để xảy ra tình trạng trên”.

Trước đó, các luật sư tranh luận, không đồng tình việc VKS đã không vận dụng các tài liệu cơ quan đã đưa vào kết luận điều tra, đó các văn bản của Bộ Y tế để chứng minh nguồn gốc chất lượng của lô thuốc H- Capita và gần nhất là công văn hỏa tốc Cục Quản lý dược vừa trình bày tại phiên tòa.

Đại diện VKS giải thích: Sở dĩ VKS không vận dụng bởi các tài liệu này được Bộ Y tế thu thập “không đảm bảo tính pháp lý cũng như không đảm bảo tính khách quan”.

Cụ thể, chỉ trong vòng 4 ngày, từ 13 đến 17-11-2017, đoàn công tác Bộ Y tế đang đi kiểm tra một công ty sản xuất vắc xin ở Ấn Độ đã kết hợp đến Bang Himachal của Ấn Độ để xác minh nguồn gốc và chất lượng thuốc H-Capita.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn là 4 ngày, vừa đi kiểm tra mà đoàn đã đi làm việc với bang Himachal, làm việc với nhà máy, với cơ quan quản lý dược Ấn Độ, sau đó làm việc và tiếp nhận tài liệu của công ty vận chuyển ở Mumbai, thu thập được rất nhiều tài liệu như GMP, phiếu kiểm nghiệm, biên bản xác nhận của nhá máy thuốc, hóa đơn, vận đơn…. thu thập được rất nhiều tài liệu. Các tài liệu này được Cục quản lý dược, Phòng thương mại Ấn Độ, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ , đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác minh tính hợp pháp và hợp pháp hóa lãnh sự.

“Trước hết, VKS “rất khâm phục” đoàn công tác của Bộ Y tế chỉ trong 4 ngày đã thu thập được toàn bộ thông tin liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển lô thuốc H-Capita, và sau đó chuyển tài liệu cho cơ quan điều tra. Và sau đó tiếp tục bằng công văn 10987 ngày 12-6-2018 kết luận lô thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy”, đại diện VKS nói.

Như vậy, các tài liệu trên do Bộ Y tế tự thu thập, tự thực hiện các hoạt động xác minh, hợp pháp hóa lãnh sự và gửi cho cơ quan điều tra. Tất cả các tài liệu này được cơ quan điều tra sử dụng, đưa vào kết luận điều tra mà chưa được kiểm tra xác minh tính hợp pháp của các tài liệu này.

“Tôi thử hỏi, không biết cách nào mà quý vị nhận được các tài liệu này trong vòng 4 ngày? Bộ đã nhận tài liệu này từ nguồn nào, như thế nào, ai là người nhận, nhận và thu thập các tài liệu này sau đó tính hợp pháp của việc thu thập và giao nhận tài liệu như thế nào? Đoàn công tác này gồm những ai, theo sự phân công của ai, thu thập thông tin bằng phương pháp nào?”, đại diện VKS đặt câu hỏi.

Từ đó, đại diện VKS cho rằng việc thu thập tài liệu và xác nhận tính pháp lý của tài liệu để đưa vào hồ sơ vụ án không đúng theo tố tụng hình sự, không đảm bảo tính pháp lý để xác định lô thuốc này có nguồn gốc từ công ty của Ấn Độ.

Xét xử VN Pharma: Tài liệu của Bộ Y tế cung cấp “không đảm bảo tính pháp lý” ảnh 2 Luật sư Phạm Quốc Hưng - bào chữa cho bị cáo Võ Mạnh Cường- tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: MAI HOA
Cơ quan điều tra không yêu cầu, Bộ không được thu thập thông tin?

Đại diện VKS cũng nhấn mạnh thêm, quá trình điều tra, cơ quan điều tra có những văn bản đề nghị Bộ Y tế cung cấp tài liệu thông tin phục vụ điều tra liên quan đến việc cấp phép hoạt động, cấp phép nhập khẩu và cấp phép thuốc chứ không yêu cầu Bộ Y tế đi xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến nguồn gốc.

Theo vị đại diện VKS, các nội dung này nếu thu thập phải do cơ quan điều tra tiến hành hoặc nếu thông qua các cơ quan chức năng khác thì phải có các tài liệu để chứng minh là làm theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Nếu Bộ Y tế làm việc này với nhà máy và có thông tin về lô thuốc thì phải thông báo cho cơ quan điều tra cùng phối hợp thực hiện xác minh, thu thập.

Nói về tính khách quan của tài liệu, theo VKS thì Cục Quản lý dược – Bộ Y tế là đơn vị cấp phép cho lô thuốc H-Capita. Hiện cơ quan điều tra còn đang xem xét điều tra về hành vi này, nên tài liệu mà đoàn công tác Bộ Y tế thu thập vừa không đảm bảo tính pháp lý cũng như không đảm bảo tính khách quan. “Nên VKS không sử dụng tài liệu này làm căn cứ xác định nguồn gốc lô thuốc”.

Tranh luận lại với ý kiến này của VKS, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng bất cứ cơ quan, cá nhân nào cũng có thể cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến vụ án. Nên VKS không đưa tài liệu này vào để đánh giá là thiếu sót.

Tương tự, luật sư Phạm Quốc Hưng cũng cho rằng bất cứ một thông tin nào liên quan đến vụ án cũng cần được xem xét, không nên cho rằng thông tin Bộ Y tế cung cấp không đáng tin cậy thì không xem xét.

Luật sư Phạm Quốc Hưng còn đặt câu hỏi: “Nếu không tin Bộ Y tế, vì sao trong quá trình điều tra các vị không làm lại việc mà Bộ Y tế đã làm để xác minh nguồn gốc? Nếu nguồn gốc Ấn Độ là thật thì sao? Nếu đó là sự thật thì nên tôn trọng. Không thể nói vì công ty đăng ký (Helix Canada) không có thật thì thuốc đó là giả”.

Phần tranh luận sôi nổi sẽ được tiếp tục vào sáng thứ hai, ngày 30-9.

Tin cùng chuyên mục