Xét xử “đại án” 6.127 tỷ đồng - Điều tra viên: Không có căn cứ kê biên 4.500 tỷ đồng

Trong phiên xử chiều 15-1, Hội đồng xét xử dành thời gian cho luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) hỏi đại diện cơ quan điều tra liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng được trích từ gói tín dụng 4.700 tỷ đồng do Ngân hàng BIDV cho vay.
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Chiều nay 15-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục phần thẩm vấn.

Đầu phiên xử buổi chiều, hội đồng xét xử dành thời gian cho luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) hỏi đại diện cơ quan điều tra liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng được trích từ gói tín dụng 4.700 tỷ đồng do Ngân hàng BIDV cho vay.

Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: - Trong kết luận điều tra xác định 4.500 tỷ đồng là khoản tiền để thu hồi, giảm thiệt hại do các bị cáo gây ra, ưu tiên đối với khoản thiệt hại do hành vi bị cáo Phạm Công Danh cùng đồng phạm vay của Ngân hàng BIDV. Điều này có nghĩa gì?

Điều tra viên Tăng Thị Nga, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an giải thích: - Đây là nguồn tiền do Phạm Công Danh chỉ đạo chuyển vào tài khoản của Ngân hàng VNCB, trong đó có 4.000 tỷ đồng từ nguồn tiền vay của Ngân hàng BIDV. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã truy nguyên được dòng tiền này hoà chung vào tiền của Ngân hàng VNCB và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

- Khoản tiền này có được dùng đề khắc phục hậu quả vụ án hay không?

 - Dòng tiền này chỉ được thu hồi để khắc phục hậu quả vụ án nếu còn tại VNCB, nhưng hiện nay đã bị sử dụng hết nên không có căn cứ để cơ quan điều tra tạm giữ, thu hồi, kê biên.

- Vào ngày 22-4-2014, nghĩa là trước khi vụ án bị khởi tố, căn cứ vào đâu mà cơ quan điều tra yêu cầu xác minh làm rõ dòng tiền 4.500 tỷ đồng. Có phải vì vậy mà sau đó Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho VNCB tăng vốn điều lệ?

- Vấn đề này vượt thẩm quyền trả lời của cơ quan điều tra.

Chuyển sang phần thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, chủ tọa phiên tòa gọi bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) thừa nhận một phần hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố.

Tuy nhiên, đối với cáo buộc làm hồ sơ bảo lãnh cho 4 công ty vay vốn tại Ngân hàng TPBank tổng số tiền khoảng 900 tỷ đồng, bị cáo Quyết cho rằng chỉ bảo lãnh số tiền khoảng 603 tỷ đồng. Số tiền này đã được chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín, viết tắt TrustBank, sau này là VNCB), vì vậy bị cáo đề nghị hội đồng xét xử tuyên thu hồi để khắc phục hậu quả của vụ án.

Tin cùng chuyên mục