Xét xử bà Dương Thị Bạch Diệp: Agribank cũng nói mình bị lừa!

Chiều 23-3, phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc hoán đổi nhà đất công ở địa chỉ 185 Hai Bà Trưng tiếp tục phần tranh luận. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Agribank cung cấp chứng cứ cho rằng ngân hàng này bị lừa, và yêu cầu tòa hủy quyết định của UBND TPHCM về việc xác lập sở hữu nhà nước với nhà đất 57 Cao Thắng.

Tại tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nhiều lần nói mình bị Agribank lừa. Trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ cho Agribank cung cấp các chứng cứ chứng minh ngân hàng này mới là phía bị lừa!

Trong vụ án này, Agribank được xác định là có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bảo vệ quyền và lợi ích cho Agribank, luật sư Lê Hồng Nguyên cho rằng việc bị cáo Diệp có thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng chính là mấu chốt dẫn đến hậu quả của vụ án.

Trong khi bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nhiều lần khẳng định không thế chấp nhà đất số 57 Cao Thắng cho bất kỳ khoản vay nào tại Agribank, cho rằng mình bị lừa, thì luật sư Lê Hồng Nguyên tập trung chứng minh tài sản này đã được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp tại Agribank từ tháng 12-2008.

Cụ thể, bà Diệp thế chấp căn nhà số 181 Hai Bà Trưng, vay 14.000 lượng vàng để mua nhà 57 Cao Thắng. Việc vay mượn này là độc lập chứ không nằm trong khoản vay 67.000 lượng vàng. Đến tháng 10-2011 phía bà Diệp tất toán khoản vay này. Nhưng sau đó căn nhà số 181 Hai Bà Trưng tiếp tục được dùng để thế chấp bổ sung để đảm bảo cho khoản vay 67.000 lượng vàng.

Về căn nhà số 57 Cao Thắng, luật sư bảo vệ cho Agribank khẳng định Công ty Diệp Bạch Dương đã thế chấp căn nhà này cho Agribank, nhưng hợp đồng không được công chứng vì lúc này tài sản chưa đứng tên Công ty Diệp Bạch Dương. Đến tháng 12-2008, Công ty được cấp chủ quyền căn nhà này nên mới tiến hành thế chấp cho Agribank. Việc thế chấp này là để đảm bảo cho khoản vay 8.700 lượng vàng.

Tại tòa, luật sư cung cấp cho HĐXX hợp đồng thế chấp tài sản nhà 57 Cao Thắng bản chính, có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của Công ty Bạch Diệp Dương và lời chứng của công chứng viên thuộc Phòng Công chứng số 1.

Luật sư khẳng định đây là chứng cứ chứng minh có quan hệ thế chấp giữa Công ty Diệp Bạch Dương với Agribank. Luật sư cũng nhắc lại việc vì thế chấp, phía Agribank giữ sổ gốc, nên khi muốn hoàn công nhà 57 Cao Thắng, phía bị cáo Diệp đã phải làm văn bản mượn bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Luật sư cũng nói thêm, không giống như bà Diệp nhiều lần khai trước tòa rằng hợp đồng công chứng thế chấp là giả mạo, không lưu trong hệ thống công chứng; khi phiên tòa diễn ra, phía Agribank đã liên hệ Phòng công chứng số 1 và được trả lời rằng hiện toàn bộ hồ sơ về việc thế chấp này đang được Phòng Công chứng số 1 lưu giữ.

Hợp đồng không được lăn tay, theo luật sư là do Công ty Diệp Bạch Dương là pháp nhân, do đó chỉ cần có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và giấy tờ pháp lý của công ty này.

Theo luật sư Lê Hồng Nguyên, Công ty Diệp Bạch Dương có văn bản xin hoán đổi nhà 57 Cao Thắng lấy nhà 185 Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, sau khi hoán đổi, Công ty Diệp Bạch Dương nói rằng nhà số 185 Hai Bà Trưng chưa được cấp giấy chứng nhận, đến năm 2013 Agribank mới biết rằng ngay sau đó căn nhà này đã bị đem đi thế chấp. Agribank mới là người bị lừa.

Do tài sản 57 Cao Thắng hiện đang thế chấp bảo đảm cho khoản dư nợ tại Agribank, mặt khác bà Diệp chỉ hoán đổi chứ không cho tặng, hiến tặng nhà số 57 Cao Thắng cho nhà nước nên UBND TPHCM không có cơ sở xác lập nhà 57 là tài sản nhà nước.

Từ đó, luật sư đề nghị Tòa tuyên hủy quyết định xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà 57 Cao Thắng của UBND TP, buộc Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM giao căn nhà này cho Agribank để xử lý nợ.

Ngày mai 24-3, phiên tòa tiếp tục tranh luận.

Tin cùng chuyên mục