Xét tuyển đại học: Điểm chuẩn sẽ “hạ nhiệt”

Ngày 15-9, sau khi kết thúc lọc ảo và xét tuyển lần cuối cùng, các trường đại học (ĐH) trên cả nước sẽ họp hội đồng tuyển sinh và xác định mức điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). Ghi nhận từ nhiều trường ĐH trên cả nước cho thấy, điểm chuẩn năm nay sẽ không có nhiều biến động, không có nghịch lý 30 điểm vẫn rớt ĐH như năm 2021. 
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Kinh tế Tài chính
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Kinh tế Tài chính

Không có nhiều biến động

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, chiều 15-9, hội đồng tuyển sinh của trường họp và công bố điểm chuẩn. Từ ngày 17-9, trường sẽ cho thí sinh xác nhận nhập học. So với năm 2021, năm nay dự kiến điểm chuẩn của nhiều ngành tăng, như: Tự động hóa (từ 17 điểm năm 2021 sẽ tăng lên 20 điểm); Công nghệ sinh học (từ 16,5 điểm lên 20 điểm); An toàn thông tin (từ 17 điểm lên 21 điểm); nhóm ngành Công nghệ thông tin và Kinh tế tăng khoảng 0,5 điểm. Trong khi đó, một số ngành có điểm chuẩn giảm so với năm trước, như Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh sẽ giảm từ 1 đến 1,25 điểm. Những ngành dự kiến có điểm chuẩn bằng với năm 2021 là Công nghệ môi trường, Công nghệ chế biến thủy sản (dự kiến 16 điểm).

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, qua các lần lọc ảo chung của Bộ GD-ĐT và lọc ảo nhóm phía Nam do ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì, một số ngành của trường có điểm trúng tuyển tăng nhẹ từ 0,25-1 điểm. Những ngành có điểm chuẩn cao (có thể 27 điểm) như: Công nghệ thông tin, Máy tính, Luật, Kinh doanh - Quản lý. Nhóm ngành Công nghệ - Kỹ thuật sẽ có điểm chuẩn bằng năm 2021. Những ngành còn lại, điểm chuẩn sẽ giảm từ 0,5-1 điểm so với năm 2021.

Sau các lần lọc ảo, Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin, đến nay các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cơ bản đã xác định được điểm chuẩn và không có nhiều biến động so với năm 2021. Nhìn chung, điểm chuẩn sẽ xoay quanh 3 mức: nhóm ngành tăng nhiều nhất là 2 điểm; nhóm ngành giảm nhiều nhất là 2 điểm; nhóm ngành có điểm chuẩn ở ngưỡng cao (30 điểm).

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, các ngành có tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), điểm chuẩn dự kiến tăng khoảng 2 điểm. Trong đó, nhóm ngành có điểm chuẩn cao bất thường là Hàn Quốc học, Đông phương học, Quan hệ công chúng (dự kiến sẽ có điểm chuẩn 30). Cũng có điểm chuẩn cao (dự kiến 29,15 điểm) là ngành Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Công nghệ Thông tin (năm 2021 lấy 28,75 điểm). 

Trong khi đó, khối trường y như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Khoa Y (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… dự kiến điểm chuẩn nhiều ngành sẽ giảm ít nhất từ 0,5-1 điểm so với năm 2021. 

Xét tuyển đại học: Điểm chuẩn sẽ “hạ nhiệt” ảnh 1 Cán bộ kỹ thuật Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trực xử lý dữ liệu để thực hiện quy trình xét tuyển và lọc ảo
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), vừa qua, Bộ GD-ĐT nhận được một số đơn thư phản ánh và ý kiến của một số cơ sở giáo dục ĐH về việc có một số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm đã đăng ký nguyện vọng nhưng có sai sót về mã phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển. Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH khẩn trương thực hiện rà soát tất cả trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và đối chiếu, so sánh với danh sách nguyện vọng của thí sinh tải từ cơ sở dữ liệu của hệ thống. Trong trường hợp có sai sót như trên, sẽ xem xét quyết định đưa thí sinh vào danh sách lọc ảo theo quy trình.

Sẽ giải quyết quyền lợi cho thí sinh 

 Trong khi các trường ĐH đang thực hiện quy trình lọc ảo và xét tuyển, rất nhiều thí sinh, phụ huynh đã trực tiếp liên hệ với các trường phản ánh về việc quên không xác nhận lại nguyện vọng đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo quy định của các trường…). Ngoài ra, nhiều thí sinh không nộp được lệ phí xét tuyển trực tuyến.

Phụ huynh Đ.H.H. (quận Phú Nhuận, TPHCM) có con thi tốt nghiệp THPT đạt 25 điểm (Toán, Lý, Hóa), xét tuyển vào ngành Công nghệ Hóa học. Tuy nhiên, 4 lần lên hệ thống nộp lệ phí xét tuyển (lần cuối đăng nhập nộp lệ phí xét tuyển là ngày 31-8) vẫn không thành công. Phụ huynh liên hệ với nhà trường, nhưng nhà trường nói rằng phải liên hệ với Bộ GD-ĐT, cuối cùng vẫn không giải quyết được. Đến ngày 13-9, kết thúc kéo dài thời hạn nộp lệ phí, phụ huynh kiểm tra trên hệ thống thì vẫn không có nguyện vọng của con mình đăng ký vào trường.

Tương tự, thí sinh V.T.T. (tỉnh Lâm Đồng) đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Nông lâm TPHCM (cơ sở TPHCM và Phân hiệu tại Gia Lai), được trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển ngành Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên. Tuy nhiên, ngày 12-9, thí sinh T. kiểm tra trên hệ thống của Bộ GD-ĐT thì không có thông tin đăng ký vào ngành này. 

Theo đại diện nhiều trường, có rất nhiều thí sinh liên hệ trực tiếp với trường nhờ giải quyết nhưng các trường không thể can thiệp vì Bộ GD-ĐT không đưa những thí sinh không xác nhận nguyện vọng, không hoàn thành lệ phí xét tuyển lên hệ thống. Chính vì vậy, các trường chỉ có thể tiếp nhận thông tin và gửi Bộ GD-ĐT xin ý kiến xử lý.

Nhiều trường công bố điểm chuẩn

Ngày 15-9, các trường đại học (ĐH) bắt đầu công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). 

Trường ĐH Công nghệ TPHCM công bố điểm chuẩn năm 2022 cho tất cả các phương thức xét tuyển. Điểm chuẩn của trường từ 17 đến 21 điểm. Trong đó ngành Dược học có điểm chuẩn cao nhất là 21 điểm, các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu có điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2021). Kế đó, các ngành Hệ thống thông tin quản lý, Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Thú y có điểm chuẩn là 19 điểm. Tất cả các ngành còn lại có điểm chuẩn 17-18 điểm. 

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố điểm chuẩn trúng tuyển ở các nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sự sống gần mức điểm sàn. Các nhóm ngành Toán, Máy tính, Công nghệ Thông tin từ bằng đến cao hơn 0,5 điểm so với năm 2021. Các nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật công nghệ tăng 1 điểm. Đặc biệt, chương trình tiên tiến Khoa học máy tính có mức điểm chuẩn lên tới 28,20 điểm.  

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố điểm trung bình trúng tuyển là 26,36 điểm.  
Trường ĐH Công nghệ Thông tin có điểm chuẩn dao động từ 26,2 đến 28,05 điểm. 

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất là 20 điểm ở các ngành Công nghệ Truyền thông, Kinh doanh quốc tế, Luật quốc tế. Các ngành Quan hệ quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Quan hệ công chúng, Kinh doanh thương mại, Quản trị nhân lực… cùng mức 19 điểm. Những ngành còn lại dao động từ 17-18 điểm.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Y khoa với 25 điểm. Kế đến là ngành Dược học 21 điểm, các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Giáo dục mầm non cùng 19 điểm. Những ngành còn lại điểm chuẩn dao động từ 15-18 điểm.  

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM có điểm chuẩn dao động từ 16 đến 24 điểm. Các ngành Marketing, Ngôn ngữ Trung Quốc dẫn đầu với mức 24 điểm.  

Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM có điểm chuẩn 6 ngành gồm: Công nghệ Thông tin, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Quản lý thể dục thể thao, Bất động sản cùng mức 15 điểm. Đối với phương thức xét học bạ, điểm chuẩn là 18 điểm; phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, điểm chuẩn là 600 điểm. 

Khoa Các khoa học liên ngành (thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội) có ngành Quản trị thương hiệu với điểm chuẩn cao nhất 26,76 điểm, tiếp đến là ngành Quản lý giải trí và sự kiện với điểm chuẩn 26 điểm. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng là 29,95 điểm. Kế đến là ngành Báo chí 29,9 điểm. 

Học viện Ngân hàng công bố điểm chuẩn dao động từ 24-28,05 điểm. Trong đó ngành Luật kinh tế có điểm chuẩn cao nhất 28,05 điểm. Hai ngành có điểm chuẩn thấp nhất (24 điểm) là Quản trị kinh doanh và Kế toán.

HÙNG THANH

Tin cùng chuyên mục