Xếp hạng quốc tế - xu hướng tất yếu

Xếp hạng quốc tế đang là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa về giáo dục đại học (ĐH). Trong các chiến lược phát triển của hai ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) cũng như các trường ĐH khác của cả nước, ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng, chuẩn hóa chương trình đào tạo, công bố quốc tế thì xếp hạng ĐH là mục tiêu không thể thiếu.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là đơn vị đầu tiên được thí điểm tự chủ và dẫn đầu về công bố quốc tế, xếp hạng đại học
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là đơn vị đầu tiên được thí điểm tự chủ và dẫn đầu về công bố quốc tế, xếp hạng đại học

Nhiều trường đại học được xếp hạng quốc tế

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, xếp hạng ĐH (nhất là xếp hạng quốc tế) là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có chiến lược từ cấp quốc gia. Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore, Malaysia… đều đã có chiến lược xếp hạng ĐH và đạt những thành tựu quan trọng. Xếp hạng ĐH được thực hiện dựa trên hệ thống tiêu chí định lượng cụ thể, chủ yếu liên quan công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Đó có thể là mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, là tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế. Đó cũng có thể là đánh giá đồng cấp của giới học thuật, số lượng bài báo, số lượt trích dẫn trong danh mục Scopus, tỷ lệ đào tạo sau ĐH. “Ở thời điểm hiện tại, các chỉ số này của ĐH Quốc gia TPHCM còn ở mức khiêm tốn, có xu hướng tăng nhẹ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa có cơ chế chính sách để khai thác hết tài sản trí tuệ”, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết.

Sau 8 năm tham gia (từ năm 2013), ngoài 2 ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM), Việt Nam có thêm nhiều trường xuất hiện trong bảng xếp hạng của châu lục và thế giới. Thứ hạng của các trường được cải thiện liên tục.

Năm 2017-2018, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS, Vương quốc Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS Asia năm 2018 cho 400 trường ĐH hàng đầu châu Á. Việt Nam có 5 đơn vị lọt vào tốp 400 này, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội hạng 139, ĐH Quốc gia TPHCM hạng 142, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 291-300, Trường ĐH Cần Thơ trong nhóm 301-350, ĐH Huế trong nhóm 351-400.

Đến năm 2020, QS Asia có đến 8 ĐH và trường ĐH Việt Nam được xếp tốp 500 ĐH tốt nhất trong tổng số 13.578 ĐH và học viện toàn châu Á. Trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM lên số 1 trong nước và được xếp hạng 143 (tăng 1 hạng so với năm 2019), ĐH Quốc gia Hà Nội xếp hạng 147 (tụt 23 hạng so với 2019), Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp ở vị trí 207 (tăng 84 hạng so với 2019)... Đặc biệt, năm 2020 ĐH Quốc gia TPHCM vào tốp 1001+ các trường đại học toàn cầu theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE, Vương quốc Anh) - lần đầu tiên Việt Nam có một ĐH được xếp hạng của THE.

Năm 2021, Việt Nam có đến 11 ĐH được QS Asia xếp hạng các ĐH tốt nhất châu Á. Nhiều năm liên tiếp, các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam liên tục tăng hạng trên bảng xếp hạng của châu lục và thế giới. Điều này cho thấy giáo dục ĐH của Việt Nam đã tiếp cận những chuẩn mực của quốc tế, trong đó có 3 nội dung quan trọng: đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia các bảng xếp hạng quốc tế là xu thế tất yếu để các cơ sở giáo dục ĐH liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng.

Quan tâm các hệ thống xếp hạng uy tín

Từ khi có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, giáo dục ĐH của Việt Nam, bứt phá ngoạn mục về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế cũng như xếp hạng quốc tế.

Theo Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS, được xem là cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới về thông tin khoa học), giai đoạn 2014-2018, công bố khoa học quốc tế của Việt Nam phát triển đáng kể. Trước khi có Nghị quyết 29, số công bố quốc tế của cả nước rất khiêm tốn, cả nước chỉ có 2.309 bài báo quốc tế. Sau Nghị quyết 29, từ năm 2017 đến tháng 6-2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam đã đạt 10.515 bài, bằng số công bố của cả nước từ năm 2011-2015. Sự tăng trưởng về bài báo quốc tế cũng đồng hành với sự tăng trưởng vị trí trên các bảng xếp hạng châu lục và thế giới.

Theo TS Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, xếp hạng ĐH là tất yếu và rất được quan tâm trên thế giới, bởi nó phản ánh đẳng cấp và chất lượng của các ĐH, là thông tin quan trọng để các nhà quản trị, phụ huynh và sinh viên chọn lựa trường phù hợp theo nhu cầu. Quan trọng là chúng ta chỉ nên quan tâm đến những hệ thống xếp hạng ĐH có uy tín, tránh làm sai lệch giá trị học thuật của các ĐH. Theo thông lệ quốc tế, việc đánh giá một ĐH có những tiêu chuẩn nhất định và những tiêu chuẩn này được các ĐH thừa nhận một cách rộng rãi.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: “Trên thế giới, việc xếp hạng, xếp loại các cơ sở giáo dục ĐH đã được thực hiện và phổ biến ở nhiều quốc gia. Hoạt động này mang đến nhiều lợi ích thiết thực, cung cấp cho các bên liên quan những thông tin hữu ích để đánh giá chất lượng cũng như làm cơ sở cho việc cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH. Động lực chủ yếu của xu thế này là yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH, trong bối cảnh một thế giới cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng”.

Theo các chuyên gia, xếp hạng ĐH là xu hướng không thể bỏ qua. Xu hướng xếp hạng ĐH hiện nay ngày càng đa dạng, trong khi 20 năm (từ 1983-2003) chỉ có bảng xếp hạng cấp quốc gia. Nhưng từ năm 2003 đến nay, các bảng xếp hạng quốc tế ngày càng nhiều để các trường ĐH có cơ sở đối sánh năng suất, chất lượng đào tạo, nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế nhằm định hướng chiến lược và đầu tư phát triển ĐH.

Nhìn chung, dù là bảng xếp hạng nào thì cũng xoay quanh những sứ mệnh, nhiệm vụ cốt lõi nhất của một trường ĐH như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, quốc tế hóa, chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng… Đây là những tiêu chí rất quan trọng để các trường ĐH Việt Nam đối sánh và cải thiện, góp phần khẳng định chất lượng đào tạo trong nước lẫn quốc tế.

Tin cùng chuyên mục