Xem thường an toàn lao động

TNLĐ xảy ra do các yếu tố gây mất ATLĐ, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp, người sử dụng lao động vẫn còn có tâm lý xem nhẹ, thậm chí là xem thường ATLĐ trong sản xuất, thi công.
Hiện trường vụ sập tường công trình ở Trảng Bom, Đồng Nai khiến 10 người tử vong. Ảnh: VŨ PHONG
Hiện trường vụ sập tường công trình ở Trảng Bom, Đồng Nai khiến 10 người tử vong. Ảnh: VŨ PHONG

Ngày 20-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án liên quan vụ sập tường công trình xây dựng nhà máy của Công ty cổ phần AV Healthcare chiều 14-5 làm 10 người chết, để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đó là biện pháp xử lý cần thiết đối với hành vi xem thường an toàn lao động (ATLĐ), xem thường tính mạng công nhân. 

Theo số liệu của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), trong năm qua cả nước đã xảy ra trên 8.100 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 8.327 người bị nạn, trong đó 927 người chết. Thiệt hại từ TNLĐ lên tới 10.500 tỷ đồng.

TNLĐ xảy ra do các yếu tố gây mất ATLĐ, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp, người sử dụng lao động vẫn còn có tâm lý xem nhẹ, thậm chí là xem thường ATLĐ trong sản xuất, thi công.

Nhiều chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vẫn lo ngại chuyện tốn kém chi phí, tiền bạc nên không chú trọng đến việc đào tạo, huấn luyện cho người lao động, cũng như không xây dựng đầy đủ các biện pháp ATLĐ.

Hiện nay, lực lượng làm công tác ATLĐ, bảo hộ lao động tại các công trình đang thi công xây dựng vừa thiếu vừa yếu kém năng lực. Do vậy, việc phát hiện cũng như xử lý các tình huống nguy cấp, hay các yếu tố có nguy cơ cao dẫn tới TNLĐ thường chậm trễ, hời hợt.

Có chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn có tâm lý chủ quan, vì nếu xảy ra TNLĐ chỉ phải bồi thường tổn thất bằng một số tiền cho nạn nhân hay gia đình nạn nhân là coi như đã làm xong trách nhiệm.

Thực tế, chế tài xử lý các hành vi vi phạm của người sử dụng lao động để xảy ra TNLĐ còn quá nhẹ, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng nhưng chủ doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính hay xử án treo (do xem xét các tình tiết như nạn nhân, gia đình nạn nhân đã có giấy bãi nại và doanh nghiệp đã bồi thường thỏa đáng). Từ đó tạo ra tâm lý chủ quan, xem thường công tác ATLĐ.

Để kéo giảm TNLĐ, công tác ATLĐ cần phải được chú trọng và thực hiện nghiêm ngặt, bài bản, thực chất hơn, tránh hô hào bằng những khẩu hiệu suông.

Phải kiểm tra giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm ngay từ đầu những trường hợp xem thường ATLĐ; nghiêm túc đình chỉ, tạm đình chỉ thi công đối với các công trình mà doanh nghiệp, người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATLĐ, công trình thi công có nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm.

Đối với các vụ TNLĐ làm chết và bị thương nhiều người xuất phát từ việc người sử dụng lao động chủ quan, xem thường ATLĐ cần phải xử lý thích đáng bằng các chế tài hình sự và không chỉ xử phạt án treo.

Tin cùng chuyên mục