Xem châu Âu xây lâu đài chữ

Thanh Trà - một cô gái làm cho một công ty du lịch Việt Nam thiết kế tour châu Âu vừa đưa tôi xem lịch trình khảo sát tuyến du lịch Porto và miền Bắc Bồ Đào Nha đầu tháng 10 vừa mới hồ hởi: Lần đầu có đối tác du lịch đưa một hiệu sách vào điểm tham quan.
Bên trong hiệu sách Lello
Bên trong hiệu sách Lello

Đó là Livraria Lello - một trong những hiệu sách cổ xưa nhất thế giới. Phải mua 5 Eur/vé mới được bước vào lâu đài sách này. 

Không hy vọng có J.K Rowling thứ hai

Nghe nói J.K. Rowling (tác giả Harry Potter) từng có thời gian vào Lello, chọn một góc ở tầng hai, uống cà phê và viết. Cũng như bao khách du lịch khác, Thanh Trà nấn ná khá lâu trên chiếc cầu thang xoắn lên tầng hai, chất liệu để Rowling miêu tả “Tiệm sách Phú Quý” và “Cơ Hàn ở Hẻm Xéo” (trong Harry Potter). Nay quán cà phê trong hiệu sách đã bị dời đi, lấy chỗ cho khách du lịch tham quan. Tôi thở phào: “May cho Rowling, thời đó còn có chỗ ngồi viết và lấy cảm hứng”. Trà lại bảo: “Người ta không mong có Rowling thứ hai nữa đâu”. 

Thôi thì một cũng đủ rồi. Tự thân Lello đã gây dựng danh tiếng riêng từ lâu, không chỉ nhờ Rowling. Những người đặt nền móng cho Lello tâm niệm xây dựng và gìn giữ một “lâu đài chữ” thật sự, không đơn thuần là hiệu sách. Rời Lello với một cuốn sách trong tay, khách sẽ được hoàn lại tiền vé vào cửa.

Vì mục đích khảo sát du lịch, Thanh Trà may mắn được đặc cách vào Lello nửa tiếng trước giờ hiệu sách này chính thức mở cửa. Đã có gần trăm người xếp hàng chờ bên ngoài. Nhờ ưu thế này, những người chuẩn bị làm tour cho du khách Việt đến Porto được ngắm toàn bộ Lello trong vẻ đẹp trọn vẹn của một bức tranh tĩnh vật: hoa văn gỗ dán tường và ốp cầu thang xoắn bóng màu thời gian, những bìa sách cứng lấp lánh chữ vàng, náu mình trong giá gỗ. Và từ trên trần tòa nhà hai tầng kiến trúc tân Gothic xen tân nghệ thuật ấy, các bức tranh kính buông thứ ánh sáng ảo diệu, ru ngủ từng bậc đệm nhung. Rồi các chùm đèn vàng bật lên. Cửa hiệu sách mở ra luồng chuyển động kỳ diệu của biển chữ trong thứ ánh sáng vàng, ấm, đậm kết nối thế giới nội tâm của người viết với người đọc. Các nhân viên bắt đầu khoác lên mình chiếc tạp dề in đầy tên sách, chuẩn bị cho bữa tiệc chữ nghĩa dọn ra hàng ngày ở Lello. Hiện thực bỗng hóa huyền ảo. Bất cứ ai đứng trước cảnh này, niềm đam mê đọc sách, cơn khát chữ vẫn ẩn mình đâu đó trong tiềm thức sẽ có cơ hội trào ra mãnh liệt.

Cảm giác lọt vào lâu đài chữ này rất thân quen đối với tôi. Cũng là căn nhà cũ hai tầng, bề ngoài nhỏ bé như bìa một cuốn sách nhỏ mở ra cả thế giới mênh mông. Cũng là thứ ánh sáng ấy, những bìa sách lấp lánh ấy - ấy là một buổi sáng mùa hè rực nắng và mặn nồng vị biển phía Nam nước Anh. Khi tôi bước vào, các dòng chữ bắt đầu chuyển động, nhảy múa trong ngôi nhà của Charles Dickens (tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh, 1912 - 1870), số 393 đường Commercial thành phố Portsmouth. 

Thư giãn công cộng với tủ sách ngoài phố ở Bern

Charles Dickens’ birthplace - nơi Charles Dickens chào đời không rực rỡ lấp lánh huyền hảo như Lello. Người ta giữ cho thế giới của Charles Dickens tiếp tục sống lại theo cách khác: dường như thấy cả một thời gian khổ của những cô, cậu bé Oliver Twist, Little Dorrit, David Copperfield... dưới triều đại Nữ hoàng Victoria. Dường như còn nghe cả tiếng lửa cháy tí tách trong lò sưởi giữa căn bếp ấm vào đêm Giáng sinh yêu thương - Christmas Carol.

Muôn lối vào nhà chữ

Terry Cook - chuyên gia người Canada nổi tiếng trong ngành thư viện - bảo tàng và lưu trữ thế giới có câu nói đã thành khẩu hiệu của ngành: “Chúng ta chính là những gì đang lưu giữ. Những gì đang lưu giữ chính là chúng ta”. Lưu trữ tư liệu, khát khao truy lùng trí tuệ chính là mấu chốt, là nền móng cho những lâu đài chữ hình thành, tồn tại và tỏa ra muốn lối dẫn dụ, khai sáng người đọc. Đây cũng là nguồn dưỡng chất cho các luồng tư duy cuồn cuộn chảy.

Đưa hiệu sách cổ - thư viện vào điểm tham quan du lịch, kết hợp vỏ kiến trúc với lõi sách thành một công trình nghệ thuật thỏa mãn nghe - nhìn - đọc: Kiểu kinh doanh thành công như Livraria Lello của Bồ Đào Nha là một cách. Thăm nhà Charles Dickens, tôi nhận ra một cách khác - người ta không cần đợi tuổi để bước vào thế giới đọc.

Cùng tôi vào thăm nhà Charles Dickens hôm đó còn có những đứa trẻ từ 3 - 8 tuổi, độ tuổi mới tập nhận diện mặt chữ cái, còn phải đọc sách cho nghe trước khi đi ngủ, hoặc mới bắt đầu làm quen những bài đọc hiểu. Tất cả đều tỏ ra hứng thú với hiện vật trưng bày “toàn chữ là chữ” trong nhà Dickens. Tường nhà treo các bức vẽ liên hoàn như một cuốn truyện tranh lớn. Hoa văn khăn trải bàn là hoa chữ The Old Curiosity Shop, Nicholas Nickleby, Dombey and Son, A Tale of Two Cities, Hard Times... Ô kìa cái cốc, chiếc ly có in hình lạ quá. Ồ lọ mực, dao rọc giấy, hộp bấc đèn mới ngộ làm sao. Trước khi ngồi vào những chiếc ghế mặt tròn in hình nhân vật trong tác phẩm của Dickens, bọn trẻ lẩm bẩm đánh vần, níu tay người lớn đòi đọc từng câu đố: Tôi là ai? Sam Well là người hầu hay kẻ thù của tôi? Tôi gặp Oliver ở đâu? Tôi tham lam hay rộng lượng? Tìm thấy tôi trong tác phẩm nào của Dickens? 

Còn tôi, rất thèm được ngồi vào chiếc ghế da mềm màu rượu chát kê trong góc tường dán giấy đỏ tía. Mở một cuốn sách ra, hứng lấy ánh sáng non vừa xuyên qua rèm cửa trắng ngà trên căn gác nhà Dickens, và rồi cứ thế, chìm vào ngôi nhà chữ. 

Có thể viết mọi cảm xúc của mình vào cuốn sổ lưu niệm lớn đặt ngay lối lên gác. Tôi nhìn vào trang đang mở, một vị khách trước đó đã xúc động viết: “Portsmouth ngày 13-7-2018: gia đình Newton ở Montreal, Canada, cảm thấy tuyệt vời và thú vị biết bao khi đến được đây. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, mẹ đã đưa tôi tới thăm nơi này”. Một bảo tàng như Charles Dickens’ birthplace không chỉ gìn giữ những gì thuộc về nhà văn nổi tiếng, nó còn lưu cả hình ảnh - kỷ niệm thời ấu thơ của người đàn ông trung niên Newton một thời đến đây với mẹ, nay chính anh lại dắt con trở lại nơi này. Những đứa trẻ chúng tôi đưa đến đây hôm nay nữa, sau này nếu có dịp trở lại, chúng cũng sẽ nhận ra một cánh cửa thân quen từng mở lối vào nhà chữ của cuộc đời mình.

Trước khi đến Edinburgh (Scotland), khái niệm “thành phố văn học” hay “nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn” về cổ thành dưới đồi Calton này còn khá mơ hồ trong tôi. Không có người thân, bạn bè ở đây mách bảo, dẫn dắt đến chỗ này, chỗ kia để thấy những góc nhìn của nhà văn đã đi vào tác phẩm nổi tiếng thế nào. Như một đứa trẻ mày mò tìm ra trò chơi sắp đặt các con chữ, thích thú vô cùng khi tự mở được cửa thế giới vô cùng vô tận của ý tứ ẩn trong vỏ chữ. 

Đó chính là cảm giác của tôi khi dừng lại trước con hẻm nhỏ mang tên “Những Bậc Thang Quý Bà”. Tò mò lần theo các phiến đá, bậc cầu thang khắc câu nói của những người nổi tiếng. Rồi tôi thấy kho báu hiện ra trên một khoảnh sân tĩnh lặng. Chiếc biển treo hình một người đang ngồi choãi chân, tay cầm bút lông rướn ngực lên bàn viết. Tất cả được mạ vàng, tỏa ra thứ ánh sáng ấm, sắc trên màu tường xám và khung cửa gỗ nâu: Bảo tàng nhà văn. Sát cửa bảo tàng kê tấm bảng thông tin du lịch tham quan dành cho người yêu sách, in đậm nụ cười bí hiểm của J.K Rowling, Walter Scott (tiểu thuyết gia nổi tiếng của Scotland), Conan Doyle (tác giả người Scotland nổi tiếng với tiểu thuyết Sherlock Holmes)... Những bức tường màu xám, những cửa hiệu ẩn mình dưới mưa lạnh bỗng chốc cựa mình, nháy mắt dẫn dụ, đưa các tín đồ say chữ bay lên không trung trong thế giới huyền ảo của văn chương.

Vẫn biết đọc là nhu cầu tự thân, nhưng không phải tự nhiên mà có. Khi các con tôi tròn hai tuổi, đánh dấu tuổi lên ba của chúng chính là chiếc ba lô có in biểu tượng thư viện gửi tặng và giấy mời tham quan thư viện địa phương tại Bỉ. Thế là bắt đầu hành trình tìm đến và bước vào thế giới của sách, không gian của đọc ngay trong góc trò chơi tại thư viện. Cũng không cần đợi tròn tuổi. Các thư viện địa phương ở Bỉ còn có khóa đào tạo nhân viên đón tiếp, hướng dẫn cha mẹ tham gia chương trình “Boekbabys - Sách cho em bé”. Ngay khi các bé được 6 tháng tuổi, y tá, bác sĩ và người làm thư viện đã cùng cha mẹ mở lối vào nhà chữ cho con bằng các hướng dẫn tuyển chọn, gửi tặng hoặc tìm mua sách vải, sách nhựa mềm minh họa hình ảnh sinh động dành riêng cho trẻ thơ.

Sắp đặt theo chủ tâm hay tình cờ, những nẻo đường vào nhà chữ ở châu Âu thường thư giãn, giản dị và đời thường đến bất ngờ. Ấy là khi chân tôi đã mỏi, mắt đã mệt vì ngày dài ngắm cảnh ở TP Bern của Thụy Sĩ. Chỉ muốn tìm một góc phố nhỏ, ngồi nghỉ dưới ghế gỗ nương bóng tàng cây cổ. Định bụng thiu thiu trong gió nhẹ và tiếng nhạc róc rách từ nguồn nước trong vắt chảy lộ thiên trên mặt phố. Thế mà người Thụy Sĩ cũng không để cho tôi yên. Dưới bóng mát của tàng cây, nổi lên một chiếc tủ kính mái sắt chứa năm tầng sách. Tiểu thuyết tiếng Anh, sách khoa học - du lịch bằng tiếng Pháp, Đức... đủ cả. Lại mở tủ, với tay chọn một cuốn sách, nằm xoài trên ghế mềm và tiếp tục chìm vào nhà chữ.

Tin cùng chuyên mục