Xe buýt phải “làm mới” để thu hút khách

Thành phố Hồ Chí Minh muốn có bộ mặt giao thông đô thị văn minh, hiện đại thì phải đạt 60% người tham gia giao thông sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Đây là bài toán hết sức khó khăn, trong bối cảnh xe buýt - phương tiện vận tải công cộng chủ lực hiện nay - “chật vật” đón khách.

Em Nguyệt Hà, quê Quảng Ngãi, sinh viên năm nhất của Trường Đại học Ngoại thương TPHCM, được mẹ đưa vào TPHCM nhập học. Lúc đầu, em ở nhà cậu tại quận Tân Phú, đi học tại đường D5, quận Bình Thạnh. Quãng đường quá xa, nên em chọn giải pháp đi xe buýt. Tuy nhiên, vì đi lại nhiều chặng, phải dậy sớm, hay bị trễ giờ nên mẹ em buộc phải thuê nhà gần trường để em đi học cho tiện.

Đây là một trong hàng ngàn trường hợp hành khách đi xe buýt không chọn loại phương tiện vận tải này nữa. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, năm 2020 còn khoảng 140 triệu lượt hành khách đi xe buýt, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xe buýt từng là phương tiện đi lại thuận tiện của hầu hết sinh viên đến Làng Đại học Thủ Đức, cứ 10 phút có một chuyến xe buýt xuất bến chở đầy ắp sinh viên. Đến nay, số chuyến trên tuyến này đã giảm hơn một nửa, nguyên nhân là do xe buýt không đảm bảo thời gian, thường xuyên đi trễ khiến sinh viên không dám đi vì sợ bị trễ học, trễ thi.

Theo các chuyên gia giao thông, mặc dù thời gian qua TPHCM cũng đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường, nhưng tỷ lệ diện tích đất giao thông chỉ chiếm khoảng 10% so với đất đô thị mới, tức là đạt 1/2 so với yêu cầu. Trong khi đó, mức độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân và nhu cầu đi lại của người dân tăng rất mạnh. Nếu không có làn đường ưu tiên hoặc dành riêng, xe buýt khó đảm bảo lộ trình. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt cho biết, vào giờ cao điểm (trước dịch Covid-19) có tới khoảng 80% chuyến xe buýt không đảm bảo thời gian hành trình.

Theo ngành GTVT TPHCM, ngành sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ phần mềm và các trang thiết bị hiện đại xây dựng hệ thống giao thông thông minh phục vụ công tác giám sát và điều hành hiệu quả giao thông đô thị. Người dân mong mỏi các giải pháp trên sẽ sớm thành hiện thực để giao thông công cộng ngày càng thuận lợi, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách.

Tin cùng chuyên mục