Xe buýt CNG đang chờ… cơ chế

Dến thời điểm này chỉ mới có 299 xe buýt CNG đưa vào vận hành. Nguyên nhân lớn nhất kìm hãm sự phát triển của dòng xe này là cơ chế trợ giá và việc đầu tư trạm nạp nhiên liệu CNG còn nhiều bất cập.
Xe buýt CNG hoạt động tại TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Xe buýt CNG hoạt động tại TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Mục tiêu của TPHCM đến cuối năm nay là sẽ hoàn tất việc đầu tư mới 1.680 xe buýt, trong đó đặc biệt khuyến khích đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG (là nhiên liệu thân thiện với môi trường). Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới có 299 xe buýt CNG đưa vào vận hành. Nguyên nhân lớn nhất kìm hãm sự phát triển của dòng xe này là cơ chế trợ giá và việc đầu tư hạ tầng trạm nạp nhiên liệu CNG còn nhiều bất cập.

Trợ giá chưa phù hợp
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, toàn TP có 2.586 xe buýt tham gia hoạt động. Trong đó, có 299 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 2.266 xe dùng dầu diesel và 21 xe chạy bằng xăng. 
Lý giải về số lượng xe buýt CNG chưa nhiều, hầu hết các đơn vị kinh doanh xe buýt đều cho rằng, rào cản lớn nhất là giá thành xe buýt CNG cao hơn so với xe buýt thông thường khoảng 20%. Nếu một chiếc xe buýt B80 (xe có 80 chỗ đứng và ngồi) sử dụng xăng, dầu giá khoảng 2,4 tỷ đồng, thì xe buýt CNG cùng loại có giá lên đến 2,75 tỷ đồng. Thế nhưng, TP lại không có cơ chế trợ giá phù hợp. 
Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm Hợp tác xã 19-5, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Xe buýt TP, hiện nay mức tính trợ giá cho xe CNG chỉ tương đương với xe buýt sử dụng xăng, dầu. Hơn thế, hầu hết các xe buýt được đầu tư mới theo đề án đổi mới 1.680 xe buýt của TP vẫn chưa được hỗ trợ lãi suất vay như quy định. Như vậy, với mặt bằng lãi suất hiện nay, trung bình một xe buýt CNG phải có nguồn thu từ 35 triệu - 40 triệu đồng/tháng, ổn định trong 7 năm, thì mới có thể trả đủ cả nợ gốc lẫn lãi ngân hàng. Đây là điều hết sức khó khăn trong bối cảnh tiền trợ giá năm 2017 đã bị giảm khoảng 20% so với năm trước. Lượng xe cá nhân tăng cao, xe buýt không có điều kiện đảm bảo lộ trình hoạt động, làm cho nhiều hành khách nản lòng và nói lời chia tay với loại phương tiện vận tải công cộng này. “Nhiều tuyến sử dụng xe buýt chạy bằng xăng, dầu còn khó “thu đủ bù chi”, huống chi xe buýt CNG”, ông Triệu nhận xét.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Triệu, lãnh đạo một đơn vị kinh doanh xe buýt khác cho rằng, để giải quyết khó khăn trên cho doanh nghiệp (DN), Sở Giao thông Vận tải cùng các cơ quan chức năng cần sớm ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt vận chuyển học sinh, sinh viên và công nhân; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về vốn và lại vay đối với việc đầu tư xe buýt sử dụng CNG; không giảm mức trợ giá và giãn thời gian đổi mới xe sắp hết hạn đến năm 2019...
Thiếu trạm nạp khí CNG
Theo các DN, ngoài vấn đề trợ giá, TP cũng cần đầu tư thêm các trạm nạp khí CNG. Hiện nay, trạm nạp nhiên liệu CNG quá ít, lại ở xa các bến đầu mối. DN muốn nạp khí cho xe phải chạy về các trạm này, hao tốn thêm chi phí và thời gian. Kinh nghiệm tại Hàn Quốc, khi DN xây trạm cấp khí CNG sẽ được Nhà nước hỗ trợ 700.000USD, số tiền DN phải bỏ ra rất nhỏ. Trong khi đó tại Việt Nam, nếu muốn đầu tư trạm nạp CNG, DN phải chi khoảng 1 triệu USD/trạm. Đây là số tiền vượt ngoài khả năng của các DN trong ngành vận tải.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường Đại học Giao thông vận tải cơ sở 2, kết quả nghiên cứu, khảo sát 3 xe buýt CNG hoạt động trên các tuyến của thành phố cho thấy trung bình 1 xe tiêu thụ 39,6kg CNG/100km; sau 1 năm chạy thử nghiệm, các xe này tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng, tương đương tiết kiệm được 23% chi phí nhiên liệu. Đồng thời, việc sử dụng khí CNG cho các phương tiện vận tải rất an toàn. Đặc biệt, khí thải không gây ô nhiễm môi trường.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng   Trần Chí Trung cho biết, trung tâm đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kinh phí trợ giá hợp lý hơn để đảm bảo cho các DN vận tải hoạt động hiệu quả và thực hiện tốt chủ trương đầu tư thay xe buýt mới, trong đó có xe CNG. Đồng thời, trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông, các DN vận tải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thu hút thêm người dân sử dụng xe buýt (miễn phí vé nhân các ngày lễ, tổ chức lễ khai trương phương tiện mới, hội thảo...); đẩy nhanh tiến độ triển khai vé điện tử thông minh trên các tuyến xe buýt có trợ giá; hoàn chỉnh phương án triển khai làn ưu tiên cho xe buýt hoạt động và tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho hoạt động xe buýt… Lượng hành khách tăng lên sẽ giúp giảm áp lực phải trợ giá cho DN vận tải.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm khẳng định, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ những khó khăn nêu trên. Đối với hoạt động đưa đón học sinh - sinh viên, sở sẽ báo cáo UBND TPHCM xin chủ trương hỗ trợ đầu tư phương tiện và mức trợ giá mới phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn, để đảm bảo đến năm 2020 đạt tỷ lệ 15% - 20% học sinh - sinh viên tại các trường sử dụng xe buýt đi học. Đặc biệt, sở sẽ sớm kiến nghị cơ chế phù hợp, khuyến khích đầu tư các trạm nạp nhiên liệu để xe buýt CNG có thể hoạt động trên khắp các tuyến. 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về vận tải hành khách công cộng, song song với việc TP xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển xe buýt CNG, các sở ngành chức năng cùng DN xe buýt cần đánh giá cặn kẽ các nguyên nhân khiến loại hình vận tải hành khách công cộng này chưa thu hút người dân.

Tin cùng chuyên mục