Xe buýt cần cú hích mới

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc phát triển giao thông công cộng tại TPHCM hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Theo nhiều chuyên gia về vận tải, TPHCM phải có cú hích mới, tức là các giải pháp mới cho vấn đề này, thì mới mong có sự thay đổi như kỳ vọng. 
Hành khách đi xe buýt tuyến số 44 Ảnh: CAO THĂNG
Hành khách đi xe buýt tuyến số 44 Ảnh: CAO THĂNG
Xe buýt: lợi nhưng chưa tiện!
Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống xe buýt trong mạng lưới giao thông ở TPHCM, nhưng so với nhu cầu đi lại của người dân thì khả năng đáp ứng của xe buýt còn nhiều hạn chế. Anh Nguyễn Văn Chương, người thường xuyên sử dụng xe buýt, cho biết xe buýt không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đi lại của mình và anh vẫn phải sử dụng thêm xe cá nhân. Anh Chương giải thích: “Xe buýt thường chậm giờ, nhất là vào giờ cao điểm, đặc biệt, sự kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng chưa có, nên nhiều thời điểm tôi phải chọn đi xe cá nhân. Nếu có thể di chuyển thông suốt các hành trình bằng xe buýt thì tôi sẽ ưu tiên lựa chọn phương tiện này”. 
Thừa nhận vận tải hành khách công cộng TPHCM mới đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết: Năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp vận tải hành khách công cộng TPHCM giảm sản lượng hành khách chuyên chở được. Đây là hậu quả của một thời gian không đầu tư phương tiện mới, tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, cộng với chính sách hạn chế xe cá nhân không được thực hiện. Hạ tầng giao thông dành cho xe buýt chưa được chú trọng, đặc biệt là vị trí bến bãi nhiều nơi chưa hợp lý, chưa hoàn thành được tuyến xe buýt có làn riêng. Một nguyên nhân nữa, công tác quản lý điều hành yếu kém cũng làm cho xe buýt không hấp dẫn hành khách. Trong đó nổi bật nhiều vấn đề như xe buýt chạy không đúng giờ, xe buýt cũ ảnh hưởng đến chất lượng, cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển vận tải xe buýt chưa đồng bộ. “Tuy nhiên, trong năm 2017, hoạt động vận tải hành khách công cộng có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2017, khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt 272,6 triệu lượt hành khách, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 45,4% so với kế hoạch năm 2017 (600 triệu lượt hành khách). Trong đó, xe buýt có trợ giá đạt 109,2 triệu lượt hành khách (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016), vận chuyển đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân có trợ giá đạt 5,9 triệu lượt hành khách và xe buýt không trợ giá đạt 24,7 triệu lượt hành khách”, ông Cường nói.
Kinh phí phải đi kèm quyết tâm
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TPHCM về phát triển vận tải hành khách công cộng và tìm giải pháp hạn chế xe cá nhân trên địa bàn TP, Sở Giao thông Vận tải vừa trình dự thảo về phát triển xe buýt từ nay đến năm 2020. 
Theo kế hoạch, đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng được từ 15% đến 20% nhu cầu giao thông đô thị (trong đó hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi phấn đấu đạt từ 15% đến 17%). Mạng lưới tuyến dự kiến đạt khoảng 200 - 220 tuyến xe buýt (tăng khoảng 80 tuyến xe buýt mới so với 2015). Tổng số phương tiện dự kiến là 5.635 xe buýt. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 16.121 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ lãi vay cho các đơn vị vận tải đầu tư phương tiện giai đoạn 2018-2020 khoảng 256 tỷ đồng (đơn vị vận tải đầu tư và TP hỗ trợ lãi vay 70% kinh phí đầu tư xe buýt trong thời gian 7 năm); kinh phí trợ giá xe buýt là 8.196 tỷ đồng; kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng là 1.232 tỷ đồng (xây dựng bến xe buýt, bến kỹ thuật chuyên dụng, cải tạo trạm dừng và nhà chờ, xây dựng làn đường riêng, làn ưu tiên, nâng cấp hệ thống điều khiển trung tâm...). Trong đó, dự kiến phải tập trung đầu tư phương tiện vận chuyển học sinh để đảm bảo đến năm 2020 vận chuyển tối thiểu được từ 15% - 20% số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.
Kế hoạch cụ thể và kinh phí đầu tư “khủng” như thế, nhưng liệu hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TPHCM có đạt được mục tiêu đề ra? Câu trả lời không dễ vào lúc này, bởi trở ngại lớn nhất của xe buýt là không có làn đi riêng để đảm bảo lộ trình vẫn chưa thấy TP quyết tâm làm. Vẫn biết, đây là việc không dễ, nhưng như nhiều chuyên gia vận tải nhận xét, hãy cứ nhìn những xe buýt có chất lượng dịch vụ “5 sao” phục vụ hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách, để thấy nếu không có mạng lưới hoàn chỉnh, phù hợp, có làn đường đi riêng để đảm bảo lộ trình, xe buýt khó có sự bứt phá. Một việc nữa, không kém phần quan trọng, đó là vỉa hè… Vỉa hè cần thông thoáng cho người đi bộ đi lại thuận tiện, tiếp cận xe buýt dễ dàng. Nếu không có những cú hích mạnh mẽ, mới (thực ra không mới, bởi đã được các chuyên gia đề xuất nhiều lần), hoạt động vận tải hành khách công cộng TPHCM khó phát triển như kỳ vọng.
Theo chuyên gia giao thông đô thị, Th.S Phạm Ngọc Công, giao thông công cộng chỉ hiệu quả khi kết hợp tổng hợp được các yếu tố như hạ tầng hiện đại, phương pháp quản lý, điều hành bằng công nghệ... Tuy nhiên, hiện nay hệ thống vận tải hành khách công cộng của TPHCM chưa làm được điều đó nên số lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng là điều tất yếu. Để thu hút hành khách đi xe buýt, cần phải vừa nâng cao chất lượng, sự tiện lợi của vận tải hành khách công cộng, vừa phải làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về sử dụng loại phương tiện này. 

Tin cùng chuyên mục