Xây dựng TPHCM thành trung tâm mua sắm - thương mại khu vực và cả nước: Vẫn chưa tìm được hướng đi

Ngày 14-1, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS) tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến đóng góp cho đề án “Xây dựng TPHCM thành trung tâm mua sắm - thương mại khu vực và cả nước” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Quyết định 2076 của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Người dân mua sắm tại Aeon Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Người dân mua sắm tại Aeon Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chưa khai phá hết tiềm năng

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng HIDS, với lợi thế vốn có của một trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục lớn nhất cả nước, đây là tiền đề xây dựng TPHCM trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực Đông Nam Á, mạng lưới kết nối kích hoạt thương mại toàn cầu. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại - dịch vụ được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh qua từng năm, có những bước tiến mang tính đột phá và có tỷ lệ đóng góp cao nhất (hơn 62%) vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP).

TPHCM còn là địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại hàng đầu cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống phân phối hàng hóa, TP có 236 siêu thị (chiếm gần 25% cả nước), 45 trung tâm thương mại (TTTM - chiếm 23% cả nước), 237 chợ truyền thống và gần 2.400 cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Bên cạnh đó, TP có 3 chợ đầu mối nông sản tại các khu vực cửa ngõ, cung cấp lượng hàng hóa hơn 9.000 tấn/ngày đêm. Các chợ đầu mối này có vai trò kết nối trực tiếp vùng sản xuất nông nghiệp lớn của khu vực miền Trung và các tỉnh thành phía Nam, gắn với hệ thống bán lẻ trên địa bàn và trở thành trung tâm trung chuyển, điều phối hàng hóa cho TPHCM và cả nước.

Tuy nhiên, so với các TP lớn của khu vực, TPHCM còn thua kém nhiều mặt. Những tiềm năng và lợi thế của TP trong lĩnh vực thương mại hiện nay chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Đóng góp ý kiến xây dựng đề án, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, ban soạn thảo cần tham chiếu chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế về mức độ cạnh tranh, các trung tâm mua sắm trong khu vực để so sánh, xác định các điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần khắc phục.

Đi vào cụ thể, ông Bùi Tá Hoàng Vũ chỉ rõ, TPHCM đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để vươn tới là trung tâm mua sắm, thương mại cả nước và khu vực. Theo đó, TPHCM là nơi hội tụ tất cả những gì tốt nhất của Việt Nam, từ hàng hóa đến ẩm thực nhưng điểm yếu là không có những sản phẩm mang tính đặc trưng riêng. TPHCM còn thiếu các trung tâm chuyên kinh doanh cho từng nhóm hàng, phục vụ từng đối tượng du khách.

Trong tương lai, mỗi năm TP đón khoảng 15 triệu du khách nhưng đến nay vẫn chưa có các trung tâm chuyên doanh, là một hạn chế rất lớn để khai thác tiềm năng từ du lịch. TP cũng chưa có hệ sinh thái mang tính hoàn thiện cho du khách, chẳng hạn như chưa có khu hoàn thuế VAT cho du khách. Hiện chúng ta mới chỉ có một số cửa hàng miễn thuế nhưng không gian mua sắm rất hạn chế.

Phải có tiêu chí thực thi rõ ràng
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, nhìn nhận, việc xây dựng đề án là cực kỳ cấp thiết đối với TPHCM. Thế nhưng, để đề án gắn với thực tiễn phát triển của TPHCM ban soạn thảo cần sử dụng các công cụ đánh giá, nghiên cứu thị trường từ các tổ chức độc lập. Trong đề án cũng cần đưa ra các tiêu chí, định hướng phát triển thật rõ ràng, chỉ ra cách thức xây dựng các TTTM ở đâu, bán sản phẩm gì; cần chi tiết hóa về các loại hình TTTM dựa trên năng lực cạnh tranh về sản phẩm, thương hiệu để dẫn dắt các lĩnh vực khác. Mặt khác, đề án cần có sự nghiên cứu để gắn kết với các chương trình, đề án đã được UBND TPHCM phê duyệt trước đó như Đề án bán buôn, bán lẻ; Đề án quy hoạch phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn TPHCM; Đề án Logistics cũng như gắn với định hướng phát triển TP Thủ Đức hiện nay…

Đặc biệt, thương mại điện tử và các loại hình kinh doanh qua mạng đang phát triển như vũ bão, vì vậy đề án cần quan tâm để hài hòa các hình thức kinh doanh trong tình hình hiện nay. TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ, từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TPHCM đã xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM thành TTTM của cả nước và từng bước trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Đến năm 2012, nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16 về phát triển TPHCM. Thế nhưng, từ đó đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được hướng đi rõ ràng. TPHCM đang có một khoảng cách khá xa so với các TP lớn trong khu vực. Nay chúng ta xây dựng đề án đưa TPHCM thành trung tâm mua sắm - thương mại, hướng tới dài hạn cần xây dựng lộ trình để trước mắt TPHCM phải là trung tâm mua sắm của cả nước, sau đó đến khu vực rồi mới vươn tới toàn cầu.

Hiện nay, Thái Lan và Singapore có chính sách khuyến mãi thu hút khách đến mua sắm rất tốt trong khi các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện khuyến mãi để kích cầu thị trường vẫn bị khống chế bởi Nghị định 81, không được khuyến mãi trên 50%. Hiện Sở Công thương TPHCM đang đề xuất với UBND TP tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm để thu hút du khách. Đại diện ngành công thương TP hy vọng, xây dựng đề án và thực thi sẽ giúp TPHCM từng bước giải quyết được những bất cập.

Tin cùng chuyên mục